Mắm thính xưa kia vốn được coi là món ăn của người nghèo. Nhưng hiện nay, đây là đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Với vị nồng đặc trưng, mắm thính là món ăn mà bất cứ ai đến Hội An cũng phải thử qua.
Mắm thính là món ăn truyền thống của người dân Hội An. Món ăn này từ lâu đã trở thành niềm nhớ thương của mỗi người con xa xứ và là thức quà chứa đựng bao kỷ niệm dành cho những người đến thăm “Venice của Việt Nam”.
Mắm thính sau khi được ướp.
Để làm mắm thính, người dân Hội An chọn các loại cá de, cá chuồn, cá nục bởi các loại cá này thịt săn chắc, tươi, ngon và rất rẻ. Quy trình làm mắm cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Sau khi được làm sạch, cá sẽ được đem ủ với muối. Cứ bỏ một lớp cá vào hũ thì rắc một lớp muối mỏng, cẩn thận hơn người ta còn dùng nẹp tre để chần cá. Đem hũ cá đã đậy kín phơi vài nắng, khi cá dậy mùi thì chắt cạn nước. Khâu tiếp theo là trộn cá với thính. Thính là thứ bột được giã nhỏ từ bắp rang hoặc gạo rang.
Món mắm thính sống.
Vớt cá ra để khô nước mới trộn thính và chờ cá cứng lại cho vào hũ, sau đó dùng lá dông phơi khô đậy kín cùng mo cau, thắng nước đường đen hòa chung với nước mắm đổ lên.
Cá được tiếp tục ủ thêm vài ngày. Sau một thời gian ủ và phơi nắng, cá sẽ có mùi thơm đậm đà và có màu nâu vàng rất đẹp. Đó cũng là lúc mắm chín tới. Cá cơm, cá de từ khi mới làm đến lúc sử dụng được thường mất hai tháng. Riêng cá chuồn, cá nục, cá trích phải đợi đến ba tháng mới có thể thưởng thức.
Mắm thính chưng cơm.
Từ mắm thính, có thể chế biến thành các món ngon làm “mê mệt” nhiều người. Chỉ cần gắp vài con thính, đem chưng với cơm hay kho cùng thịt ba chỉ, một ít ớt quả, tiêu, nén là đã thành một bữa ăn ngon miệng.
Những ai đã “trót” yêu mắm thính không thể bỏ qua món cá thính rang với lá nén. Chỉ cần khử dầu phộng, cho cá thính vào, đợi cá thấm dầu rồi lật đều hai mặt và thêm lá nén là mùi thơm sẽ ngay lập tức lan tỏa khắp các ngõ ngách.
Mắm thính chiên nén.
Từ mắm thính có thể cải biên thành món mắm dưa. Chọn loại dưa hường, rửa sạch, bổ đôi, cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác, ướp muối rồi đem trộn với mắm thính. Thành phẩm sẽ là món mắm dưa đặc biệt. Mới đầu chưa quen, thực khách thường có cảm giác gợn gợn. Nhưng sau khi thưởng thức, chắc chắn ai cũng sẽ muốn ăn thêm nữa.
Hiện nay, nghề làm mắm thính của cư dân vùng cửa biển Hội An được Trung tâm bảo tồn di sản Hội An đưa vào danh sách nghề truyền thống và chọn làm điểm tham quan của tour sinh thái làng quê. Dù rất giản dị, mộc mạc, nhưng mắm thính vẫn trở thành món đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước của Hội An.
Dantri