Tô mì đầy ắp thịt, tôm được rim đậm đà gia vị kết hợp lạc rang, nước dùng đặc trưng cùng các loại rau cho cảm giác ngon miệng.
Mì Quảng là một trong những món ăn dân dã của người Quảng Nam - Đà Nẵng. Món ăn khá dễ nấu và ngày càng đa dạng trong nguyên liệu chế biến. Mì truyền thống sử dụng tôm và thịt heo; nhưng một số nơi lại sử dụng cua, cá hoặc thịt gà, vịt.
Tô mì Quảng tại nhà hàng Cung Đình cuốn hút thực khách từ màu sắc tới hương vị.
Nhiều thực khách nhận xét, lần đầu đến thưởng thức mì Quảng tại nhà hàng Cung Đình - khách sạn Rex Sài Gòn, cứ ngỡ sợi mì được làm từ bột mì như của người Hoa, nhưng lại thấy giống bánh ướt ở miền Nam, hay bánh cuốn của miền Bắc. Vậy mà khi ăn vào bạn lại thấy khác hẳn và rất đặc trưng.
Theo các đầu bếp tại nhà hàng Cung Đình, sợi mì Quảng ở đây được làm từ bột gạo nguyên chất như phở, hay hủ tiếu nhưng có sắc thái và hương vị riêng biệt. Để có sợi mì sóng sánh, mượt mà là cả một quá trình chế biến công phu, tỉ mỉ. Bạn phải vo và đãi gạo thật kỹ, ngâm cho hạt gạo nở mềm để mang đi xay thành bột. Muốn sợi mì có màu vàng hấp dẫn, bạn cần cho thêm bột nghệ vào nước bột. Sau khi có bột gạo rồi, đầu bếp sẽ đem đi tráng thành lá mì, sau đó quét một lớp dầu phộng lên bề mặt và cuối cùng đem cắt thành sợi.
Tô mì đầy ắp thịt, tôm được rim đậm đà gia vị kết hợp lạc rang, nước dùng đặc trưng cùng các loại rau sống tươi ngon.
Điều đặc biệt ở mì Quảng tại nhà hàng Cung Đình là không bao giờ dùng từ nước lèo để chỉ nước ăn kèm với mì, mà gọi là "nước nhưn". Nước này chỉ chan vừa đủ ngấm vào sợi mì, không đầy ngập như phở hay bún bò. Nước chỉ xấp xấp để tô mì có vị đậm đà. Phần nước nhưn được chăm chút, nêm nếm kỹ lưỡng bởi nó tạo nên hương vị đặc trưng cho cả tô mì.
Món mì Quảng nấu đúng công thức sẽ cho hương vị rất đặc trưng. Trong đó, các loại thịt phải thật tươi, được ướp cho thấm gia vị, sau đó rim với hành tỏi cho săn lại, mới đem nấu cùng nước dùng. Lượng nước trong nồi cũng phải vừa đặc, cô đọng, nước phải ngọt tự nhiên, đậm đà. Nước dùng phải cho thêm chút màu điều để cho màu sắc hấp dẫn nhằm kích thích thực khách từ màu sắc tới hương vị.
Tính dân dã, phổ biến của mì Quảng còn thể hiện qua cách ăn và những thứ đi kèm với nó. Đặc biệt nhất là rau sống, không thể thiếu bắp chuối thái sợi, rau húng lủi, rau húng láng, vài cọng cải non. Tất cả đều là loại rau dễ tìm, dễ mua nhưng khi đi cùng nhau lại rất hợp vị. Đi kèm với mì Quảng nhất quyết phải có thêm bánh tráng mè, đậu phộng rang rồi đập dập rắc trên bề mặt tô mì cùng hành lá, ít miếng chanh tươi, vài trái ớt xanh và nước mắm nguyên chất có dằm một ít tỏi ớt.
Không gian ấm áp cùng món mì Quảng đặc trưng tại nhà hàng Cung Đình mang lại cho thực khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
"Mì Quảng không quá nóng cũng không quá hàn, bảo đảm đủ chất đạm, xơ, béo phù hợp với sở thích và khẩu vị của nhiều thực khách. Giá trị văn hóa, khoa học có đủ trong một tô mì, khiến cho thực khách khó lòng chối từ hay lãng quên", các đầu bếp tại nhà hàng Cung Đình nhận xét.