LĐCT - Hồi nhỏ đọc cuốn sách lừng danh của Nhật Bản “Tottochan, cô bé ngồi bên cửa sổ”, tôi nhớ mãi những suất cơm bento bọn trẻ con mang theo từ nhà luôn phải đầy đủ thực phẩm từ biển cả và đất liền. Suất ăn ấy có vẻ gì đó lãng mạn, nên thơ và kích thích người đọc tự động tiết dịch vị. Đến Phú Yên, tự dưng nhớ về cảm giác bé thơ ngày nào, bởi bữa ăn ở đây, trong suốt thời gian tôi lưu lại trại viết Phú Yên, ngày nào cũng có đủ biển cả và đất liền trên bàn tiệc.
Có lẽ cũng chỉ duy nhất ở Phú Yên thôi, người ta mới có cơ hội được tận hưởng cùng lúc cả ẩm thực núi cao, rừng thẳm và đại dương như thế. Vì đặc thù địa lý độc đáo đến tuyệt vời, nên chỉ cần rời khỏi khu resort năm sao ven bờ biển chừng vài chục cây số, ta đã có thể bắt gặp những buôn làng nguyên sơ của người Ê đê, Ba na, Mơ nông, Chăm, Raglai... quần tụ. Phú Yên là nơi tập trung tới gần 30 dân tộc chung sống. Nếu muốn thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân tộc Ê đê thì hẵng ngược lên thị xã Sông Hinh. Chỉ một tiếng sau là bạn đã từ biển về với rừng. Người Ê đê thích nấu các món canh. Trong một bữa ăn sáu món mà khách được phục vụ tới ba món canh, cũng có thể gọi là canh ớt hoặc canh lá. Vì món canh nào cũng nấu kèm với ớt quả, là loại ớt sim nhỏ xíu để nguyên quả, cho vị thơm đặc trưng mà cay xé lưỡi, rồi đầu bếp bỏ thêm các loại lá vào. Canh cá nấu với măng rừng và lá giang. Canh bò nấu lá é. Ngon nhất là canh nấm rừng, loại nấm thơm và dai như thịt gà, nấu với lá lốt. Canh ấy ăn không biết chán bởi nó tỏa hương núi rừng đậm đà. Lá giang có vị chua rôn rốt và thơm đặc biệt. Người ta ăn nó thay rau, thứ rau tinh khiết mà người đồng bằng đừng bao giờ mơ tưởng.
Còn một đặc sản không thể không nhắc đến của người Phú Yên là “bò một nắng”. Mặc dù ngồi uống bia tươi trên bãi biển, bạn vẫn có thể nhấm nháp món ăn núi rừng này. Trước giờ tôi mới chỉ biết đến mực một nắng, mà nổi tiếng nhất là mực một nắng Phan Thiết, người sành ăn bảo thế.
Minh họa của Choai
Thực ra suốt dải miền Trung, mực một nắng luôn ngon, bởi độ mặn của nước biển càng cao thì mực càng chất lượng. Cả cái nắng ngào ngạt của miền Trung nữa, cũng làm cho mực thơm lên một cách đặc biệt. Mực lá phơi qua một lượt nắng mặn mòi, bên ngoài trở nên se ráo nhưng trong còn tươi rói, béo ngậy và ngọt lịm. Mực một nắng ấy, tẩm đẫm muối ớt rồi nướng trên than hồng, ăn cứ gọi là. Nhưng cũng chỉ ở Phú Yên thôi, trên bàn ăn mới chễm chệ cả bò một nắng lẫn mực một nắng.
Nếu như người Tây Bắc tự hào lắm với thịt trâu gác bếp và người Tây Nguyên hãnh diện vì món khô nai thì người Phú Yên sẽ bảo bạn rằng “bò một nắng hai sương” của họ mới là nhất quả đất. Bò một nắng của dân thị trấn Củng Sơn nằm trên cao nguyên Sơn Hòa, Phú Yên, có lẽ cũng xuất phát từ cách chế biến thịt nai khô làm lương thực dự trữ ăn dần. Sau chắc thấy thăn bò phơi một nắng cho héo rồi nướng lên ăn cũng ngon như thịt nai nên người dân biến nó thành đặc sản. Là món thịt bò cỏ tơ chăn thả tự nhiên trên các triền núi miền Tây Phú Yên, bò một nắng sau khi nướng có vị thơm đặc biệt và vẫn giữ nguyên độ mềm của thịt. Ăn bò một nắng nướng chín trên than hoa kèm muối ớt lá é trắng hay muối ớt kiến vàng, thấy hình như sành điệu chẳng phải là ngồi sau vô lăng một chiếc xe Ferrari, vai khoác một chiếc Hermes hay chân sục vào một đôi giày Chanel mà cứ phải đúng như thế này mới thực là đáng vênh váo. Muối ớt kiến vàng cũng lại là một gia vị độc nhất vô nhị của người Ê đê. Người ta sẽ rang giòn kiến vàng và trứng kiến lên rồi giã nhuyễn với muối ớt, răm, ngổ, lá then len để tạo thành một món chấm mà vị của nó như thế nào thì... chỉ nên ăn thử mới biết. Tương tự như mực một nắng, bò một nắng se bề mặt mà mềm mại và ngọt lịm bên trong. Món ấy quý và lại đắt tiền nữa nên cũng chỉ có một đĩa “sơ sài” giữa bàn, khi ăn người nọ phải liếc người kia chứ đừng có tì tì chén cả đĩa.
Người sành nào chẳng ngất ngây với hương vị tinh tế pha trộn giữa biển cả và đất liền ấy, nhất là khi trong bữa ăn lại có một nhân vật hứng chí ca bài chòi. Bài chòi cũng là một đặc sản nữa của Phú Yên. Bài chòi cất lên, xong câu nào người ta cười rộ lên câu ấy, người Bắc nghe chả ai cười, vì có hiểu gì đâu để mà cười. Người bên cạnh phải “phiên dịch” cho tôi từng câu, nghe xong hiểu ra, người ta hát xong 15 phút rồi mình mới cười phá lên, khi mà không còn ai cười nữa. Thôi thì đành, cứ lừa người bên cạnh ngồi nghe chòi thì mình gắp vậy. Ôi mực một nắng. Cả bò một nắng. Ăn đĩa nọ thì cứ nhòm đĩa kia.
DI LI