Bún num-bo-chóc, bánh lọt xào, chè bí... theo chân Việt kiều từ Campuchia về khu chợ Lê Hồng Phong (quận 10) từ những năm 1970.
Bánh lọt xào, hay lot-xa theo phiên âm tiếng Khmer, là món người Hoa du nhập vào Campuchia từ lâu, được kiều bào mang công thức về Việt Nam bán. Món ăn có thành phần đơn giản, gồm sợi bánh lọt làm từ bột gạo, giá, hẹ, trứng. Giá một đĩa từ 20.000 – 25.000 đồng.
Sợi bánh lọt tròn lẳn được xào sơ với màu dừa để có màu nâu và vị béo. Khi ăn, thực khách sẽ được hướng dẫn dùng các loại gia vị do chính chủ quán làm là giấm tỏi chua cay hoặc không cay. “Hồi xưa xào bằng mỡ heo ngon lắm, giờ đổi thành dầu cho đỡ ngán và có thể dành cho người ăn chay”, cô Cúc, chủ quán, cho biết.
Cô Ngô Thị Bạch Cúc (63 tuổi) hiện là chủ quán bánh lọt và hủ tiếu xào có tuổi đời 48 năm. Bà Bảy, mẹ cô Cúc, là người đầu tiên bán bánh lọt xào ở chợ Lê Hồng Phong. Bà Bảy từng bán đủ loại món hồi ở Campuchia rồi năm 1970 về Sài Gòn bán tiếp, như hủ tiếu xào, bánh lọt xào, bánh bí hấp, xôi Xiêm, bánh đúc ngọt, cơm rượu nếp than…
Xưa nơi đây vắng vẻ, mẹ con cô Cúc bán lúc chiều từ 16h đến khuya phục vụ thực khách chủ yếu là người lao động đi làm về và làm đêm. Hiện quán bánh lọt cô Cúc bán vào 7h - 20h.
Chè bí chưng tiếng Khmer gọi là num-pà-pơi. Mỗi tô chè được một miếng gồm bí và nhân. Người bán khoét ruột trái bí đỏ nhỏ, đổ vào trong hỗn hợp đã đánh đều gồm sữa, lòng đỏ trứng, nước cốt dừa, rồi đem hấp cách thủy.
Chè bí đỏ chưng nguyên bản được ăn kèm nước cốt dừa, sau này chủ quán cho thêm sữa, đá bào và các thành phần khác theo xu hướng và yêu cầu của thực khách. Một tô chè thập cẩm (hình) được nhiều người thử, có giá 20.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Có (45 tuổi) lớn lên nhờ hàng chè của mẹ. Mẹ chị tên Nguyễn Thị Rổ bán chè có tiếng ở Campuchia, năm 1970 về Việt Nam bán tiếp. Nơi ở và bán hàng của gia đình chị Có trước giờ đều ở một vị trí, chị cũng tiếp quản quầy chè mẹ truyền con nối mà không làm nghề nào khác.
Ngoài chè bí chưng, chị Có còn bán chè thốt nốt, chè hạt mít, chè trứng, chè hạt me, chè đậu, chè bắp… bán theo chén 10.000 – 20.000 đồng. Riêng đường thốt nốt và me được nhập từ Campuchia.
Bún num-bo-chóc, theo phiên âm tiếng Khmer, là loại bún cá phổ biến của người Campuchia. Thành phần quan trọng và cũng phải nhập từ Campuchia của món ăn gồm mắm prohoc (mắm bồ hóc), trái trúc, ngải bún. Ngoài ra, chủ quán sử dụng cá lóc đồng tươi, để không tanh và bở thịt.
Tô bún 40.000 đồng ăn kèm đĩa rau bắp chuối, rau muống chẻ sợi, dưa leo thái mỏng, bông súng, rau thơm, đậu đũa.
Nhắc đến bún num-bo-chóc đúng vị Campuchia, người địa phương sẽ giới thiệu hàng Tư Xê. Bà Tư Xê về Sài Gòn mở sạp bán bún và khô năm 1972. Từ sạp nhỏ lụp xụp dưới mái dù, nhỉnh hơn mặt đường chút, khách đến ăn ngồi trên sạp, sau này mới cất lên nhà bê tông khang trang.
Hai anh em ruột ông Ngô Văn Hoa (64 tuổi) và cô Ngô Thị Thanh Mai (43 tuổi), hiện cùng làm chủ thương hiệu Tư Xê, cho biết đã gắn bó với thương hiệu của mẹ từ bé đến giờ. Bún chỉ bán buổi sáng, khoảng 10h là hết.
Đồ khô được bán ở chợ gồm lạp xưởng, thịt trâu bò gác bếp, nhái, rắn và nhiều loại cá được đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia) như cá lóc, cá tra, cá sặt, cá sủ, cá chốt, cá trèn, nhái, rắn bông súng… Các loại khô có giá khoảng 200.000 – 500.000 đồng/ kg, có thể mua lẻ từng khúc cá.
“Khô Cam khác khô miền Tây”, một số người ghé mua quầy Tư Xê nhận xét. Khách mua đồ khô chủ yếu là dân địa phương, gồm người Việt, người gốc Campuchia, người gốc Hoa…
Ngay sau lưng nhà Tư Xê, hàng khô Hai Nhỏ do chị Trần Thị Dung (35 tuổi) đứng bán được 10 năm, đã có mặt từ năm 1970 của mẹ chị làm chủ, vẫn giữ hình thức sạp gỗ chứ không thuê hay xây quầy.
“Hai mẹ con đều biết chế biến đồ khô, nhưng vẫn phải nhập từ Campuchia về vì ở đây không có chỗ phơi nắng, và cá mới bắt bên đó phải xử lý luôn mới ngon”, chị Dung chia sẻ.
Sạp khô Hai Nhỏ và quầy khô Tư Xê xưa giờ còn bán lá sầu đâu, loại lá được người Campuchia ưa chuộng trộn gỏi với các loại khô, ăn kèm với nhiều món. Rau được nhập về hàng ngày, không nhiều, có giá khoảng 10.000 – 15.000 đồng một bó.
Nhiều món ăn vặt như chuối nướng, bánh bò thốt nốt, me ngào đường, bánh Xiêm, xôi Xiêm... cũng theo chân người Việt từ Campuchia về bán ở chợ Lê Hồng Phong (quận 10) từ những năm 1970 đến nay.
Tâm Linh