Tới đất Giàn, không thể bỏ qua một món
ăn đặc sắc-Món Đốt! Tuy vậy, nếu muốn thưởng thức món ấy mà không có
mặt ở Giàn trong Hội đình dâng lễ thờ Thái uý Lý Phục Man (từ mùng 9 đến
ngày 11 tháng 2 âm lịch), hoặc tại lễ cưới - là những dịp Món Đốt được
lo sửa để làm lễ dâng tiến, thì phải có cách… Người từ xứ khác đến, lạ
thung, lạ thổ cũng đừng e ngại. Hãy vào một gia đình, chân thành bày tỏ
kính ý là có thể được gia chủ giúp, tạo điều kiện để thưởng thức Món
Đốt. Không khách sáo, không “hoa hoè, hoa sói”; “thật như Món Đốt” vốn
đã như là nét văn hoá đất Giàn ở cả 2 phương diện: Ẩm thực và nhân văn!
Nguyên liệu làm Món Đốt là thịt lợn. Lợn tốt vừa được mổ ra, tóm nguyên
quả cật, một phần lá gan; cắt khổ thịt vai, pha thành thỏi “tứ diện tòng
tứ” hình quai guốc. Từng thứ được quạt trên than hoa hoặc than rơm nếp
cho chín tới, thơm phức và nhè nhẹ khét; đang còn nóng hôi hổi, đưa vào
công đoạn thớt nghiến-dao phay, ngang thớ. Mỗi miếng cật, gan, vai thành
phẩm có độ dày chỉ như miếng bánh phồng tôm vừa rơi xuống chảo mỡ đánh
“xèo”!
Sửa Món Đốt cũng công phu lắm. Khó nhất là quạt than. Chiếc quạt nan
phẩy đi, phẩy lại một cách rền dẻo, vừa đủ để hơi nóng từ đống than hồng
rực chuyển động, phát ra âm thanh như tiếng người thở lúc cao trào hồi
hộp. Nếu quạt mạnh quá, mà lại không xoay đều nguyên liệu thì có chỗ
thành than khét đắng, hỏng. Còn thế nào là chín tới thì chỉ có người kẻ
Giàn trực tiếp quạt than từ đầu mới biết chính xác. Nghĩa là, thái ngang
quả cật, rõ là nội tâm hơi hồng hồng, mùi vị ngọt mát, không hề có cảm
giác thịt chưa chín…
Chuyện cũ còn lưu: Có một người xứ khác về làm dâu đất Giàn. Khi làm Món
Đốt, cô đã khía sâu quả cật, lá gan, khổ thịt, mang ướp mắm muối, hạt
tiêu tươm tất rồi mới đưa lên than. Quạt được một lát, chỉ chừng “giập
bã trầu”, chị đã nhận được lời “biểu dương” của bà cô bên chồng: “Cháu
dâu tôi đã chuyển đồ đốt thành đồ nướng rồi!”. Bài học ấy đã làm cho cô
dâu nhớ suốt đời rằng: Món Đốt nguyên bản gốc là không ướp gia vị!
Mỗi “miếng gắp” Món Đốt đều gồm 3 lát gan, cật, thịt vai đặt chồng lên
nhau. Chủ, khách quây quần, dùng đũa tre cuộn gập cả lại, chấm nước mắm
ngon, đưa vào miệng, cảm nhận toàn vẹn cái sự hoà quyện giữa giòn mà
không cứng, mềm mà không nhũn; bùi, ngậy, ngọt, mát mà không ngấy; mơ hồ
một chút đắng thanh thanh như được “đính” vào từ hương dịch mật… rồi
mới bứt nhánh rau mùi gọi là điểm xuyết. Nhấp ngụm “quốc lủi”, đưa một
tứ tình đời nhẹ nhàng để trò chuyện, xong mới lại gắp...
Món ngon nhớ lâu. Phải có sự tích?
Người làng Giàn tự hào kể: Vào thế kỷ thứ 6, tướng Phạm Tu phò Lý Bí
đánh giặc Lương và dẹp quân phiến loạn phía Tây nam. Khi qua đất Giàn,
lúc ấy còn hoang vu, cây cối rậm rạp, quân sĩ bụng đói cồn cào. Thời
gian quá gấp, không có điều kiện chế biến món ăn, viên tướng liền ra
lệnh mổ lợn rồi chất củi, lá cỏ xung quanh, đốt… Bởi vậy, Món Đốt, vốn
nguyên bản 3 loại thịt trong con lợn, không pha trộn với thứ gì.
Tưởng như vậy thì ai cũng có thể làm được Món Đốt! Tuy nhiên, Món Đốt
làng Giàn là riêng biệt. Tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống
và sự tôn kính Thái uý Lý Phục Man (Tước vị của tướng Phạm Tu) và nét
tài hoa Kẻ Giàn… thấu quyện ngàn năm, đã tạo ra Món Đốt điển hình từ màu
sắc, độ chín (nhiệt), cách pha thái, và đặc biệt là hương vị hội quyện
từ 3 thứ cật-gan-vai, mà lại tinh khiết (lợn). Cũng bởi vậy, không thể
đặt tên món ăn này một cách phàm tục hay cao siêu hợm hĩnh. Muôn năm
qua, nó vẫn được gọi là Món Đốt làng Giàn.
PHẠM XƯỞNG
Theo Lâm Đồng online