Bạch tuộc không phải là món ăn lạ. Tuy vậy, bạch tuộc còn sống ngoe ngẩy bơi trong bể hải sản chờ người thưởng thức tại một số quán ăn ở TP.HCM gần đây khiến nhiều thực khách tò mò thích thú và kháo nhau thử qua.
Quán nhỏ nằm ở một con đường râm mát quận Thủ Đức (TP.HCM), nhưng với nhóm tôi là quán quen. Lý do không chỉ bởi món ăn ngon, giá rẻ mà còn bởi anh chủ quán nhiệt tình, chân chất, hay chuyện. Anh quê tận vùng đất võ Bình Định, từng làm nghề câu thời trai trẻ, rồi bỏ nghề vào Sài Gòn phụ việc quán ăn rồi tự bươn chải mở quán riêng.
|
Nồi lẩu giấm bạch tuộc, những vòi bạch tuộc chuyển sang màu trắng hồng bắt mắt |
Món ngon nhờ… chuyện gẫu
Vừa thấy chúng tôi bước vào, chủ quán đã tay mắt mặt mừng, trỏ tay về phía bể hải sản trước quán nơi những chú bạch tuộc nhỏ nhắn đang tung tăng bơi lội, nhiều chú tinh nghịch trèo lên cả mặt kiếng, chực bò ra khỏi bể: “Món mới, bạch tuộc sống - món ruột quê tôi, làm thử nhé?”
Bạch tuộc là món ăn phổ biến, được ưa chuộng đặc biệt ở Hàn Quốc và Nhật Bản; được xem như loại thức ăn bồi bổ sức khỏe cực tốt cho những người sức khỏe yếu, phụ nữ mới sinh con, thậm chí được ăn sống theo kiểu sushi.
Tại Việt Nam, bạch tuộc có đôi phần lép vế so với các loại mực có lẽ do chúng kém ngọt. Tuy nhiên bạch tuộc sống, còn tung tăng bơi lội thì độ ngọt trội hơn hẳn.
|
Chủ quán nói quê anh - Phù Cát (Bình Định) - có thể nói là quê hương của loài bạch tuộc. Tháng 4, tháng 5 âm lịch, mùa biển lặng, bạch tuộc nhiều vô kể, ẩn mình sau những rạng san hô dưới biển sâu vài mươi sải tay. Sáng sớm tờ mờ, cánh thợ câu ngồi thuyền dịch vụ ra vùng biển có bạch tuộc bắt đầu một ngày câu. Mỗi người mỗi phao, dàn hàng ngang lênh đênh giữa biển cả.
Phao câu thường là phao tự tạo, đôi khi là những cục xốp, có khi là ruột ôtô đã qua sử dụng. Thợ câu cởi trần phơi lưng giữa nắng gió, dùng rường câu là sợi cước dài đầu gắn thỏi chì, phía dưới có hai vòng chấu nhọn hoắc, thả xuống biển sâu săn bạch tuộc. Mồi câu là... không có mồi hay còn gọi là mồi giả. Lũ bạch tuộc vốn là loài háu ăn nên chỉ cần thấy rường câu thả xuống ngỡ là mồi liền nhào tới dùng tám cánh tay đu chặt lưỡi câu.
Thợ câu kinh nghiệm thường câu bằng cảm tính, thấy nằng nặng, phỏng chừng có bạch tuộc là thu vội rường câu lên thật nhanh cho đến gần mặt nước thì dùng vợt vớt bạch tuộc lên.
Thao tác phải nhanh, gọn, khéo bởi nếu bạch tuộc phát hiện mồi giả thì lập tức sẽ buông rường câu, coi như xôi hỏng bỏng không. Những ngày trúng thợ câu có người được hơn 20kg bạch tuộc, kiếm vài trăm bạc, có ngày vài chục nghìn đồng, cũng có ngày không đủ phí đi thuyền.
Ăn vẫn còn thèm
Để có thể thưởng thức nguyên vẹn tinh chất của bạch tuộc như lời chủ quán, chúng tôi chọn món bạch tuộc nhúng giấm. Để làm món này cũng khá đơn giản. Những chú bạch tuộc được bắt khỏi bể bơi bằng vợt, để nguyên con, rửa sạch, không làm gì cả, kể cả lấy mực ra, chỉ ướp đá lạnh tạm thời.
Trên bếp cồn nồi nước giấm đun sôi làm bung nở những hoa hành tím, hành tây, xả, tỏi băm nhỏ lăn tăn trên mặt. Cô phục vụ nhanh tay lần lượt cho từng chú bạch tuộc đã “đù đờ” vào nồi giấm, vặn to lửa đến khi nước trong nồi sôi sùng sục lại lần nữa là xong. Lúc này nước trong nồi nhúng giấm đã chuyển sang màu mực tím do bạch tuộc tiết ra. Cô phục vụ một tay cầm kéo, một tay cầm đũa, vớt bạch tuộc và cắt khéo léo thành nhiều miếng nhỏ gọn ghẽ.
Miếng bạch tuộc tươi có đủ vị: giòn, dai, ngọt chấm qua chút nước mắm pha khéo trước khi đưa vào miệng nhai rau ráu ngon lành.
Vẫn còn thèm, tạm bỏ qua món bạch tuộc chiên giòn, bạch tuộc xào và sushi bạch tuộc, chúng tôi chọn món nướng bởi nghe có có phần đậm đà, quyến rũ.
Bạch tuộc xắt vừa ăn được tẩm ướp đủ loại gia vị: xì dầu, nước xốt cà chua, hạt nêm, ớt bột, mè rang, tỏi, gừng, xả, sa tế… để vài mươi phút cho thật thấm. Có khách, từng lát bạch tuộc mới lần lượt được đưa lên vỉ nướng. Chốc lát mùi thơm đã lan tỏa, miếng thịt màu đen trắng đổi sang vàng ươm, bắt mắt.
Đi kèm món nướng còn có ớt chuông, đậu bắp cắt miếng vừa ăn, vài lát thơm mỏng rắc đường nướng lên ăn chung bạch tuộc khiến ai cũng thấy khoái khẩu.
Nguồn : Tuổi Trẻ