Kể về món cá suối nướng đã từng đạt huy chương vàng do Hội Nông dân Việt Nam, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế trao tặng, chị Lò Thị Đối cười rõ tươi rồi thủng thẳng: “Mỗi lần nhà chị mà làm món ấy thì không giấu được ai trong bản đâu mà... thơm lắm!
Chị Lò Thị Đối sinh ra và lớn lên ở bản văn hóa Vàng Pheo, xã Mường So, huyện biên giới Phong Thổ, Lai Châu. Nơi đây một thời nổi tiếng có chúa đất Đèo Văn Ơn yêu văn nghệ, thích ẩm thực.
Chị Đối năm nay đã gần 50 tuổi và hiện đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mường So. Chị Đối có “tài lẻ” biết làm nhiều món ăn ngon, đặc trưng của dân tộc Thái như món rêu đá, giá đỗ tương, lạp thịt trâu, thịt trâu sấy, chẩm chéo, xôi ba màu, măng đắng luộc, giá ủ bằng hạt lạc, rau dớn lam cá, ve sầu rang, cá bống gói lá dong nướng, cá lam.
Nói như anh Lò Văn Đấu, Phó Ban văn hóa-thể thao xã Mường So thì mỗi lần xã có hội nghị, liên hoan mặn mà không có chị Đối đứng ra làm tổ trưởng tổ nấu ăn thì “không thành đâu mà.”
Chị Đối bảo, biết làm món cá nướng này từ khi còn nhỏ do bố, mẹ “truyền” dạy.
Trong các lễ hội của dân tộc Thái như lễ hội Nàng Han, Cúng lúa mới, Then Kin Pang... không thể thiếu món cá suối nướng. Để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn “ngon miệng, ngon mắt”, trước tiên cần chọn những con cá suối nặng từ 4 đến 6 lạng.
Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, xúp, mì chính... Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột. Mổ kiểu này khó hơn, không cẩn thận sẽ bị đứt tay nhưng khi gập cá lại để nướng, cá sẽ dai hơn và không bị vỡ, tạo thành hình đẹp.
Sau khi mổ phanh lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm các gia vị chừng 4 phút rồi gập ngang cá lại rau thơm và gia vị tiếp tục nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút thì cá chín.
Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển dần từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối nướng ăn với xôi nếp ba màu và chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.
Nguồn : Vietnam+