Những ngày cuối năm nếu lên Hà Giang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội dự các chợ phiên và thưởng thức đặc sản.
Các phiên chợ ở cao nguyên đá luôn dành một góc cho người bán bánh bả trắng nướng than hoa. Đây là hình ảnh đặc trưng, gần gũi, ai đi chợ cũng ghé qua. Bánh làm từ bột ngô lên men, mềm xốp, vị hơi chua, thường ăn kèm với thắng cố hoặc các loại canh thịt.
Xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại màu khác nhau, đó là đỏ, vàng, xanh, tím và trắng. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: Gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau… Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 đến 8 giờ để hạt gạo có độ nở.
Bánh bao bột ngô là loại bánh bao chay, nhìn bên ngoài như bánh mỳ nhưng lại làm bằng bột ngô. Bánh có vị nhạt ngọt tùy loại nhưng hương thơm.
Bánh tam giác mạch là loại bánh đặc trưng của người Mông vùng Cao nguyên đá. Quá trình làm bánh nhiều công đoạn, hạt mạch thu hoạch về phơi khô rồi đem xay đến khi mịn đều, sau đó hòa bột chung với nước rồi đúc thành các miếng bánh có hình tròn dẹt. Đường kính bánh thường hơn một gang tay, cho vào khuôn rồi đem đi hấp chín ở trên bếp lửa trong thời gian khoảng 10 phút để bánh chín đều. Khi ăn bỏ ra nướng hoặc rán. Bánh có vị thơm, ngọt nhẹ, hơi sạn.
Thắng dền được làm từ bột gạo nếp, có thể có nhân đỗ hoặc để chay, hơi giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, nhưng có nhiều màu sắc. Viên bánh thắng dền to hơn ngón tay, được thả trong bát có nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng tạo lên hương vị thơm, béo và cay cay rất hợp ăn những ngày thời tiết se lạnh. Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đen.
Bánh cuốn canh là món ăn sáng, bánh cuốn nhân mộc nhĩ, thịt băm, trứng ăn với nước canh/nước dùng, đựng trong một chiếc bát tô có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nước dùng ngậy, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng.
Bánh chưng gù là đặc sản của Hà Giang, được gói bằng tay, phần vỏ bánh có màu xanh hoặc đen tùy loại gạo. Bánh có màu xanh thì phần gạo được trộn với là giềng, bánh đen thì dùng gạo cẩm. Ruột bánh có cả thịt nạc và mỡ. Bánh được vài gia đình ở thành phố Hà Giang gói hàng ngày, nhưng phải đặt trước vì số lượng có hạn. Mỗi chiếc bánh giá từ 17.000 đồng.
Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi. Sau đó phần thịt được trộn với gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn. Cháo có vị đắng của của ấu tẩu. Chào ấu tẩu thường chỉ được bán vào buổi tối. Theo người dân, củ ấu tẩu phải được làm sạch và ninh nhừ. Củ ấu tẩu rất độc nên phải chế biến kỹ, ăn giải rượu, chống đau nhức xương khớp.
Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 Âm lịch là thời điểm thu hoạch mật ong bạc hà trên vùng Cao nguyên đá. Dọc quốc lộ 4C đi các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc du khách dễ dàng gặp các lán nuôi ong và đang khai thác mật ong tại chỗ. Mật ong đặc trưng có màu vàng chanh, thơm đậm, ngọt thanh mát như bạc hà.
Lẩu gà đen mới xuất hiện khi du lịch phát triển mạnh khiến các dịch vụ đi kèm cũng nở rộ. Điểm đặc biệt của lẩu gà đen là ăn kết hợp với rau tam giác mạch, cải, đậu hà lan... khiến cho vị của nước lẩu ngọt hơn.
Các tỉnh miền núi phía bắc vào mùa thu - đông là lúc thời tiết thích hợp để trồng rau cải. Cây cải thời điểm này thường ít bị sâu bệnh vì giá lạnh. Những cây cải mọc ra từ cao nguyên đá luôn có bị ngọt nhẹ, không bị quá đắng. Cải là cây được trồng khắp quanh nhà, dọc quốc lộ. Mỗi mớ rau cải bán tại đây từ 3.000 đến 5.000 đồng.
Bánh gai sử dụng nguyên liệu truyền thống như bánh gai ở miền xuôi như gạo nếp, lá gai, đậu xanh… chỉ khác cách gói bánh và lá chuối rừng làm vỏ bánh để tạo độ dai. Đây là loại bánh đặc trưng của xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Ngọc Thành