Nhộng là loại thực phẩm khá phổ biến ở các chợ vùng quê, nhất là ở các các vùng dọc sông Thu Bồn. Dân gian cho rằng món nhộng giúp con người bổ thận tráng dương, có tác dụng trừ phong thấp, hóa huyết hư và nhiều bệnh khác.
Chuyện kể rằng vào một đêm trăng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chuyến tuần du vào Quảng Nam mang theo vị công tử là Nguyễn Phúc Lan dạo chơi bằng thuyền trên sông Thu Bồn, đến địa phận làng Chiêm Sơn tình cờ gặp một cô gái hái dâu đang ngắm trăng mà hát:
“Tai nghe chúa ngự thuyền rồng
Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa”
Công tử Phúc Lan chợt nghe tiếng hát đem lòng yêu thương. Lúc diện kiến, chàng càng mê mẩn bởi cô gái họ Đoàn không những hát hay, xinh đẹp mà còn biết chế biến phụng dâng món ăn đặc sản từ nhộng quê nhà. Sau này bà trở thành Hiếu Chiêu hoàng hậu - Đoàn qúy phi, được nhân dân vùng đất Quảng tôn thờ là bà Chúa Tàm tang…
Cô bạn tôi vốn khá sành các món ăn nhưng lại tròn mắt ngạc nhiên khi được nghe kể về “xuất xứ” của món nhộng xứ Quảng trong một lần theo tôi về thăm quê. Riêng đối với tôi, các món nhộng đã quen và truyền thuyết này đã thuộc từ thuở thiếu thời.
Nhộng là loại thực phẩm khá phổ biến ở các chợ vùng quê, nhất là ở các các vùng dọc sông Thu Bồn. Dân gian cho rằng món nhộng giúp con người bổ thận tráng dương, có tác dụng trừ phong thấp, hóa huyết hư và nhiều bệnh khác. Nhộng vừa rẻ tiền lại có giá trị dinh dưỡng không thua các loại thịt cá thường dùng. Phổ biến nhất trong các bữa cơm là món nhộng xào. Chỉ cần rang nhộng với chút dầu ăn, nêm nước mắm cho vừa miệng, rắc lá chanh thái sợi hoặc kèm vài cộng rau răm là đã có một món ăn đậm đà vị bùi, béo. Người ta còn dùng nhộng xào với hoa hẹ chữa bệnh đau nhức khớp xương hoặc nấu cháo bồi dưỡng cho người mới ốm dậy, người già.
Hấp dẫn nhất là nhộng trộn dùng với bánh tráng. Làm món này cũng đơn giản. Chọn những con nhộng còn tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Trước khi chế biến rửa sạch, xóc nhẹ để nhộng không bị nát. Vớt nhộng ra rổ, để ráo. Khử dầu, cho nhộng vào đảo nhẹ tay, đun nhỏ lửa cho đến khi nhộng chín và khô hẳn. Chờ nhộng nguội trộn cùng các loại rau răm, một ít lá chanh, đậu phộng. Xúc một muỗng nhộng trộn cho vào miệng sẽ cảm nhận được chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng vị ngọt thanh của nhộng, vị chanh, vị mặn của gia vị, tất cả như thấm tan nơi đầu lưỡi.
Nguồn : Báo Quảng Nam