Khác hoàn toàn với những loại phở thông thường, phở khô có sợi nhỏ, hơi dai và luôn phục vụ bằng hai tô.
Phở "hai tô" là tên khác mà thực khách đặt cho phở khô Gia Lai. Đây là một món ăn đặc trưng của đất Tây Nguyên. Khi phục vụ khách, món ăn gồm một tô đựng phở và một tô chứa nước dùng cùng các món thịt.
Theo chủ một quán ăn ở quận 10, TP HCM, hương vị của phở khô khác hoàn toàn với phở xào, áp chảo. "Nước dùng ngon phải không cho nhiều mì chính (bột ngọt), nấu từ xương, thịt bò xắt mỏng mới cho ra được vị ngọt thanh", người này nói.
Sợi phở khô không to như bình thường mà giống hệt sợi hủ tiếu, dai và hơi săn. Khi có khách gọi, từng thớ phở được vắt trong vá, trụng vào nước sôi cùng giá sống rồi cho vào tô.
Dù có trộn chút xì dầu và giấm, món ăn vẫn khá khô. Đầu bếp còn cho thêm ít hành phi, tép mỡ, sa tế trước khi bưng ra cho khách.
Bạn có thể tuỳ ý lựa chọn loại thịt bỏ vào nước dùng như bò tái, gà, bò viên, xương heo... Mỗi phần có giá dao động từ 35.000 đến 40.000 đồng. Thực khách cũng có thể gọi phần thập cẩm bao gồm các loại thịt ăn kèm với giá 45.000 đồng.
Thịt bò ở đây được xắt mỏng, bò viên giòn và thơm. Thịt gà hơi dai.
Món ăn được dọn kèm với một đĩa rau sống là xà lách, cần, giá trụng và rau quế.
Thực khách muốn thử món ăn này ở Sài Gòn có thể tìm đến quán ăn trên đường Đồng Nai, quận 10. Quán do một người Gia Lai mở cách đây hơn hai năm. Nếu có dịp lên Pleiku (Gia Lai), khi hỏi quán phở Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi thì hầu như ai cũng biết tiếng.
Anh Trần Quân (ngụ ở quận 8) cho biết món ăn ở quán này được phục vụ khá giống so với lúc anh thử ở Gia Lai. "Tôi không thể quên món ăn vì phở mà ăn hai tô thế này khá lạ. Sợi phở cũng hoàn toàn khác biệt so với thông thường. Nước lèo ở đây thơm, ngọt và thịt cũng đầy đặn. Chỉ có điều hủ tiếu hơi khô và dai, khó nuốt", anh Quân nhận xét.
Di Vỹ