Được bao quanh bởi những cánh rừng ngút ngàn, những sản vật quê tôi đều gắn liền với rừng. Và hạt dẻ - món quà quý giá mà rừng núi đã ban tặng vùng đất Lục Nam (Bắc Giang) - là một trong những số đó.
|
Những hạt dẻ mới thu lượm no tròn - Ảnh: H.H. |
Chẳng biết từ bao giờ, trên những cánh rừng quê tôi bạt ngàn những cây dẻ. Tôi chỉ nhớ khi còn nhỏ lẽo đẽo theo các anh chị lên rừng đã thấy toàn dẻ là dẻ. Có những cây dẻ to, cổ thụ có lẽ một vòng tay người lớn ôm không hết. Những đồi dẻ đã gắn bó và luôn hiện diện trong cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ của người dân nghèo nơi đây. Những lúc khó khăn chỉ cần lên rừng chặt vài bó củi bằng cành dẻ khô cũng đủ để trang trải, mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày.
Cũng thật kỳ lạ, những cây dẻ cứ thế lớn lên, sinh sôi trên những cánh rừng cằn cỗi mà không cần bàn tay chăm sóc như một món quà của rừng núi ban tặng.
Hằng năm, cứ cuối tháng 8 đầu tháng 9 (âm lịch), những hạt dẻ đầu tiên lác đác rụng, báo hiệu một mùa hạt dẻ nữa lại đến. Trước đó, dưới những tán dẻ mọi người phát quang những lùm cây bụi, dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị nhặt hạt.
Không như dẻ Trùng Khánh - loại hạt dẻ nổi tiếng vùng đất Cao Bằng, hạt dẻ quê tôi không to. Hạt to lắm chỉ bằng ngón tay cái của trẻ mới lớn, tròn, màu nâu ánh. Tuy nhỏ nhưng vị bùi, dẻo đặc trưng, nếu ăn một lần cũng nhớ mãi.
|
Hoa dẻ |
|
Hạt dẻ được bao bọc bởi những một lớp gai - Ảnh: H.H. |
Khi còn bé, ở nhà tôi luôn háo hức với mùa hạt dẻ. Từ tờ mờ sáng, mọi người đã rủ nhau lên rừng thu lượm hạt dẻ, dọc đường đi vang những tiếng nói cười giòn tan.
Việc nhặt hạt dẻ thật thú vị. Chúng tôi phải lật từng những lớp lá khô tìm những hạt dẻ đã nức gai rụng xuống. Thỉnh thoảng lại gặp những hạt dẻ vẫn còn ngậm gai đâm vào tay đau buốt. Đi học đầu ngón tay đứa nào cũng thâm lại do bị gai dẻ đâm nhưng chẳng đứa nào kêu ca, có lẽ ai cũng hiểu những hạt dẻ nhỏ bé đó đã giúp bố mẹ đỡ một chút khó nhọc trên đôi vai nơi vùng quê nghèo.
Thú nhất là những khi đi nhặt dẻ, đốt lên đống lửa rồi cho một vài cành dẻ vào, những hạt dẻ chín cứ thế nổ bắn ra xung quanh, thơm bùi.
Hạt dẻ có thể rang, hấp, luộc để thưởng thức. Ông ngoại tôi thường kể ngày xưa chính những hạt dẻ độn cơm đã giúp người dân quê tôi trong những năm khó khăn, cái đói đang đeo bám. Nhưng ngon nhất có lẽ là hạt dẻ rang. Vào những ngày thu se lạnh hay mùa đông rét buốt, cầm nắm hạt dẻ rang trong tay cũng thấy ấm lòng.
Thường hạt dẻ được luộc qua rồi rang. Khâu khó và quan trọng nhất là làm sao để người rang có thể cảm nhận được mùi vị thơm bùi, tiếng nổ tí tách khi hạt dẻ chín tới để dừng lại. Nếu rang lâu quá hạt dẻ sẽ bị cứng rất khó ăn. Hạt dẻ rang khi chín có mùi thơm đặc trưng, dẻo dai và có vị bùi nơi đầu lưỡi.
Ngày nay, hạt dẻ là một món quà không thể thiếu được để người dân quê tôi gửi biếu bạn bè, người thân nơi xa. Một món quà giản dị, mộc mạc như con người nơi đây.
Nguồn : Tuổi trẻ