Món này có tên là Cơm Tấm vì trước đây
món này được nấu từ gạo “tấm” có nghĩa là loại gạo nứt, vỡ, hình thức
xấu chứ ko được nguyên hạt như loại gạo đắt tiền. Phổ biến nhất là cơm
tấm sườn nướng, nhưng các quán cơm luôn phục vụ các loại khác nữa như
cơm tấm gà quay, cơm tấm sườn bì chả…
2. Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá là món ăn nổi tiếng của người
Hoa ở Sài Gòn. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch
và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm. Nước lèo được nấu từ
xương lợn nên có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm
nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng
xại (hay còn gọi là cải nặm). Hủ tiếu cá được ăn kèm với xà lách, giá,
ớt, chanh và không thể thiếu nước tương (xì dầu).
3. Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang còn được gọi là một món
ăn “đa sắc tộc” vì nó có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng lại do người Hoa
chế biến. Hủ tiếu là một món cũng phổ biến không kém so với cơm tấm ở
đất Sài Thành nhưng hủ tiếu Nam Vang thì còn đặc biệt hơn nữa. Đặc biệt
vì sự đa dạng của các loại nguyên vật liệu.
Hủ tiếu Nam Vang nguồn gốc có thịt heo miếng và thịt heo băm nhỏ nhưng ở Sài Gòn
thì có nhiều loại ăn kèm hơn như: tôm, gan, trứng cút, mực… Và không
thể thiếu khi thưởng thức hủ tiếu Nam Vang là các loại rau ăn kèm như
rau cần, tần ô, hẹ, xà lách, giá… Có 2 cách ăn hủ tiếu là hủ tiếu khô và
hủ tiếu nước. Hủ tiếu khô được thêm chút xì dầu, tỏi phi và một bát
nước dùng riêng.
4. Gỏi khô bò
Với vị ngọt của nước bò, giòn của đu đủ, gỏi khô bò cũng là món yêu thích của người Sài Gòn.
Có giá khoảng 15.000 đồng đến 18.000 đồng một đĩa, nhiều bạn trẻ khi
nhạt miệng thường kéo nhau đi ăn gỏi khô bò. Nơi bán gỏi khô bò ngon nổi
tiếng nhất có lẽ là ở công viên Lê Văn Tám, quận 3.
Khi đến nơi, sẽ có người mang ra một
miếng lót để bạn ngồi quanh gốc cây. Sau khi gọi món, một người sẽ mang
đĩa gỏi khô bò ra cho bạn. Gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám chỉ là quán
vỉa hè nhưng đã tồn tại chục năm. Ở đây người bán cho thêm vài miếng
bánh phồng giòn lên trên đĩa khô bò nên vị lạ không lẫn vào đâu được.
5. Sủi cảo
Sủi cảo vốn là món ăn nổi tiếng của ẩm
thực Trung Hoa. Ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, không chỉ ở
các phố Tàu mới bán sủi cảo, nhưng các quán do chính người gốc Hoa chế
biến hay truyền bí quyết kinh ngiệm mới có hương vị ngon hơn cả.
Ở Sài Gòn, sủi cảo có bán nhiều ở các con
phố khác nhau, nổi tiếng nhất là đường Hà Tôn Quyền (quận 11) với hơn
chục quán bán món ăn này. Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành
thánh nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Nhân thường được làm từ tôm, thịt
lợn, các loại rau… băm nhuyễn với nhau và trộn gia vị cho vừa ăn, bọc
ngoài bởi vỏ gói hoành thánh. Sủi cảo có thể chế biến theo nhiều cách
như ăn nước, hấp hay chiên, thường ăn kèm cải ngọt, ít dầu mỡ ngấy ngán
và rất ngon miệng.
6. Bột chiên
Vào những lúc đói bụng nhưng cảm thấy khó chịu trong người, bạn có thể ăn qua món bột chiên đặc sản Sài Gòn.
Bột chiên được cắt thành những khối vuông hoặc chữ nhật, chiên trên
chảo phẳng, đập thêm một quả trứng gà, rắc thêm hành lá lên trên và múc
ra cho vào đĩa.
Một đĩa bột chiên ngon phụ thuộc nhiều
vào bột và nước chấm. Món này vừa ăn vặt được, lại vừa có thể ăn no.
Ngoài bột chiên, bạn có thể ăn thêm nuôi chiên, khoai môn chiên có vị
cũng khá lạ.
7. Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn, bánh
tráng nướng là ba món bánh tráng khoái khẩu của giới trẻ Sài Gòn. Có giá
dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, bánh tráng trộn được bán dọc
những con đường Sài Gòn. Những chỗ bán ngon và có tiếng thường rất đông
người mua.
Bánh tráng được xé nhỏ, cho thêm hành
phi, sa tế, mỡ hành, đậu phộng, trứng cút, khô bò, xoài và rau răm, trộn
đều lên trong bịch. Mỗi nơi bán sẽ có cách biến tấu riêng, mang vị đặc
biệt. Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn có thể được mua mang đi, còn bánh
tráng nướng thường được ăn tại chỗ để giữ độ nóng giòn.
8. Trà sữa
Khắp ngóc ngách Sài Gòn, nơi nào cũng bán
trà sữa. Mỗi tiệm trà sữa lại có một vị nước pha riêng. Bạn bè đi cùng
nhau ngại vào quán ngồi thường ghé vào quán trà sữa chọn lấy một ly và
cầm theo. Trà sữa phổ biến nhất hiện nay ở Sài Gòn là trà sữa Phúc Long.
Với vị thế thoáng mát, nhiều người thường
ra ngồi gần bến Bạch Đằng, gọi một ly trà sữa và uống với bạn bè. Trà
sữa có vị trà đặc, uống khi bụng đói có thể dễ bị say, nhưng lại là vị
yêu thích của nhiều người trẻ Sài Gòn.
9. Bánh mì phá lấu
Cùng cách gọi nhưng bánh mì của người Hoa
khác hẳn món phá lấu nội tạng heo hay bò dùng chung với nước cốt dừa.
Cụ thể, ngoài phá lấu lòng heo, đặc sản của người Tiều còn có thêm phá
lấu chân gà, tàu hũ chiên, trứng…
Cái hấp dẫn của ổ bánh mì phá lấu nằm ở
hậu vị ngọt dịu của nước chấm đi kèm, cái dai dai, sừn sựt của tai heo,
một chút béo của những miếng bao tử, phèo… Kẹp chung với hành, dưa leo
với vị cay nồng của ớt, cắn vào một miếng là thấy hết ngay hương vị đậm
đà của món bánh mì độc đáo này.
10. Vú dê nướng
Ở Sài Gòn muốn ăn các món liên quan đến
dê, đặc biệt là vú dê nướng và lẩu dê, mọi người thường tìm đến khu
Trung Sơn, quận 7. Vú dê nướng thơm chấm với chao, ăn thêm một chén mì
chan nước lẩu mới đúng điệu.
Vú dê mềm, giòn giòn, được ướp gia vị đậm
đà và được chủ quán mang ra kèm với một vỉ nướng. Bạn có thể tự nướng,
khi hương thơm bốc lên và chín đều thì gắp cho vào chén. Đặc biệt chao
chấm phải được pha ngon, không quá mặn cũng không quá ngọt, cho thêm
chút sa tế cay vào. Món này là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt
vào những lúc trời mát.
Thanh Xuân