Nam Định xưa nay không chỉ nổi tiếng với đền Trần linh thiêng, chợ Viềng cầu may, lễ hội Phủ Giày… mà còn độc đáo bởi món nem nắm Giao Thủy gia truyền, với những nguyên liệu chính là thính được tạo ra từ hạt gạo thơm ngon nhất.
Người dân Giao Thủy vẫn thường tự hào về món đặc sản nổi tiếng quê mình vì đây là thức quà dân dã do người dân trong làng tự chế biến, rồi truyền cách làm cho nhau, sau trở thành của ngon vật lạ dâng vua Trần trong những dịp trọng đại. Từ đó, món ăn này được truyền đi xa và trở thành món ngon có thương hiệu.
Ngoài ra, món nem nắm Giao Thủy còn được xếp vào một trong những sản vật độc đáo của nền văn minh lúa nước, bởi nguyên liệu chính để chế biến là bì lợn trộn với thính gạo, thứ thính được tạo ra từ hạt gạo với nhiều công đoạn khác nhau, hài hòa cùng các gia vị khác.
Ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy nem nắm Giao Thủy, ấy là một khối hình tròn được nắm chặt, nhấp nhô một màu vàng ngà ngà, có mùi thơm nức béo ngậy. Cái tên “nem nắm” cũng tựa như cách làm, phải nắm hỗn hợp thành khối hình tròn, thật chặt và cách ăn cũng là nắm từng miếng nhỏ với các loại rau ghém sao cho vừa miệng.
Để có nắm nem ngon, nguyên liệu bì lợn phải được tuyển chọn từ những con lợn khỏe, miếng bì phải làm sạch lông và dính chút mỡ, thường chọn miếng bì ở phần đầu vừa không dày, lại không nhiều mỡ sẽ không ngán và nắm nem không bị ướt nhão. Bì được luộc rồi thái bằng tay thành những sợi nhỏ, thịt lợn nạc được luộc tái thái bản mỏng, thịt tái sẽ giúp cho nem có vị ngọt và bùi hơn.
Nguyên liệu chính làm rộ lên mùi thơm của nem nắm Giao Thủy chính là thính, phải là thứ thính được làm tự gạo tám Nam Định mới dậy mùi. Thứ gạo thơm ngon sẽ được ngâm trong nước qua một đêm rồi để ráo nước, đem rang lên rồi xay thành thứ bột nhỏ, có màu vàng ngà ngà, thơm phức. Thính sẽ được trộn đều với nguyên liệu bì và thịt lợn đã sơ chế ở trên. Từng hạt thính nhỏ li ti quyện chặt lấy từng sợi bì, đảo đều tay nghe xào xạo vui tai, rồi nắm chặt.
Để thưởng thức hết vị thơm ngon của nem nắm Giao Thủy phải được “đẩy đưa” bởi nước mắm Sa Châu gia truyền được ngâm trong nhiều năm của vùng, pha thêm vị chua, cay, ngọt của ớt, giấm, đường. Khi thưởng thức, chỉ cần gắp từng miếng nem trong nắm rồi cuốn với lá sung, lá đinh lăng thành miếng dài. Chấm với thứ nước mắm vừa pha, một vị ngọt của thịt, vị thơm của thính, sừn sựt của bì lợn quyện với vị bùi của lá sung, ăn đậm đà rất kỳ thú trong miệng.
Món nem nắm Giao Thủy thường để được ăn trong ba đến năm ngày, nhấm nháp với bia hơi hay ăn kèm cơm cũng ngon miệng. Một số nhà hàng hay các quán nhậu ở Hà Nội cũng thường có món đặc sản này, thậm chí nhiều người có thể tự chế biến nem nắm tương tự tại nhà, nhưng không thể ngon bằng nem nắm được làm ở chính đất Giao Thủy bởi có được vị thính thơm ngon.
Vì thế cho nên, người Giao Thủy cho đến nay vẫn cứ truyền tai nhau câu ca để giới thiệu về đặc sản quê hương mình:
Tay cầm bầu rượu, nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò…
Nguồn : Lao Động