Đan Phượng quê tôi (vốn là vùng đất nhỏ bé thuộc trấn Sơn Tây cũ) chẳng phải là vùng danh lam hay thắng cảnh gì nên ít người biết đến. Nhưng nhắc đến Đan Phượng, nhiều người sẽ nhớ đến nem Phùng.
|
Nem Phùng - Ảnh: Internet |
Gọi là nem Phùng vì nó được được làm chủ yếu bởi những người ở tổng Phùng thời xưa mà chủ yếu là bốn làng Đại Phùng, Đoài Khê, Đông Khê, Phượng Trì (cũng giống như nói lụa Hà Đông nhưng chủ yếu vẫn là lụa ở làng Vạn Phúc).
Cây cối tốt tươi loại gì cũng có nhưng mỗi thứ chỉ một chút vì diện tích đất không nhiều, thế nên nguyên liệu làm món nem Phùng cũng rất đơn giản, dễ kiếm: thịt lợn, gạo, lá sung và các thứ gia vị phụ khác. Cách làm nem tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải có độ sành nhất định. Thịt phải chọn thịt mông sấn hoặc thịt thăn, có nạc, có mỡ, bì phải sạch sẽ, không có lông.
Thịt được thái theo thớ, cắt ra từng miếng nhỏ, nhúng nước sôi cho tai tái, vớt ra lọc bì riêng, thịt nạc riêng, thịt mỡ riêng rồi xắt nhỏ như con trì, trộn với gia vị muối mắm vừa phải. Bì lợn lọc hết mỡ và phải luộc hai lần. Khi mảnh bì mỏng và trong mới thái nhỏ như sợi miến dài độ hai đến ba phân. Lưu ý là phải xắt thật mỏng. Không đơn giản nhưng vì tay quen nên người dân nơi đây làm thoăn thoắt dễ dàng.
Trước kia mọi công đoạn hoàn toàn làm bằng tay nhưng hiện một số đã được làm bằng máy. Một trong những việc khó khăn nhất vẫn phải hoàn toàn làm thủ công là việc rang thính. Đây là công đoạn phức tạp, đóng vai trò quyết định và đòi hỏi bí quyết gia truyền.
Gạo tẻ và một chút gạo nếp (nếu được nếp cái hoa vàng thì tốt nhất) được rang đều tay đến khi có màu như cánh gián và phải rang bằng than củi, bởi rang bằng bếp than đá sẽ làm mất đi mùi vị của thính. Người rang phải liên tục đảo đều tay và lửa vừa phải cho đủ nhiệt, gọi là om. Có vậy thính mới khô đều và có màu nâu sáng, rồi đem vào cối xay nghiền kỹ tới mức mịn tơi có màu trắng đục.
Tiếp theo là trộn chung thính với bì và thịt heo tái đã xắt để ủ. Nem muốn gói to hay nhỏ tùy ý nhưng phải bọc trước bằng lá sung non, rồi mới gói lá chuối tươi ở bên ngoài và lấy dây cột lại, tùy theo nhu cầu to nhỏ, gọi là "quả nem". Phải cột bằng sợi lạt được chẻ ra từ cây giang và phải nhuộm đỏ như làm một chút duyên bắt mắt.
Như vậy là xong một món ăn. Cũng thật cầu kỳ. Nguyên liệu hoàn toàn sẵn có nên nhà ai cũng làm được.
Trời se se lạnh ngồi nhấm rượu Bá (rượu một làng khác cũng thuộc huyện Đan Phượng nhưng ở ven sông Hồng) với nem Phùng thì đúng là một thú tao nhã nhưng cũng rất bình dị dân dã của một làng quê xứ Đoài. Đây là thức nhắm có thể xuất hiện trong mọi cuộc vui trong mọi gia đình không kể giàu hay nghèo:
Nem Phùng ăn với lá sung
Cho người tứ xứ nhớ nhung suốt đời
(Nem Phùng quê tôi)
Cứ ngẫm câu này thì biết người dân nơi đây thích ăn và tự hào với món ăn này nhường nào. Ấy vậy mà nem Phùng chỉ làm để ăn chứ không mấy khi để bán nên rất ít được biết đến. Là món ăn ưa thích trong mọi cuộc vui vì đơn giản ở đó người ta đươc tận hưởng đến tận cùng cái thú mà chỉ riêng người Phùng có mà thôi.
Trời đã lạnh rồi đây. Lại thèm một bữa rượu với nem Phùng!
Nguồn : Tuổi Trẻ