Dù chưa đến Tết Hàn thực nhưng cái nóng mùa khô dễ làm người ta nhớ đến bát bánh chay đầu ngõ. Chẳng cần đợi đến tết mồng 3 tháng 3 (âm lịch), giờ đây món bánh trôi chay đã trở thành một món ăn chơi phổ biến, có thể bắt gặp ở bất kỳ gánh hàng chè nào trên phố.
|
So với những loại bánh có đường, vị ngọt mát của bánh chay dịu dàng quá đỗi! |
Giờ cái gì cũng sẵn nên hàng chè nào trên phố hầu như cũng có dăm ba loại bánh, nhất là hai thứ bánh trôi và bánh chay. Bánh trôi có nhân mật ngọt lịm, nhưng bánh chay lại quyến rũ người ta bằng vị ngọt mát dịu dàng. Nhấm nháp miếng bánh, vị ngọt mát hòa tan trong miệng mới thấy để làm bánh chay ngon chẳng dễ. Nhào bột gạo nếp, đến khi không thấy bột dính vào tay nữa ấy là bột đã đủ độ dẻo và mịn. Nắm một cục bột nhỏ, vê lại thành viên tròn bằng quả quýt.
Hồi còn nhỏ, được mẹ “giao nhiệm vụ” vê viên bột là điều khiến tôi háo hức lắm. Những viên bột trắng tinh, nằm ngoan ngoãn trên mặt mâm chờ nồi nhân đậu xào hành thơm phức. Đậu xanh rửa sạch, xóc muối và đem đồ cho chín nục. Chừa lại một chút đậu để trang trí, phần còn lại lấy chày giã cho đậu xanh nhuyễn và mịn.
Nếu làm đơn giản, nhân bánh chay chỉ cần đậu xanh đồ lên. Cầu kỳ hơn, ngoài đậu xanh còn có thêm hành khô. Hành khô bóc vỏ, thái nhỏ và phi với mỡ cho dậy mùi thơm. Sau đó đổ nhân đậu xanh đã chín xào cùng. Nắm đậu xanh thành những nắm nhỏ, chỉ bằng 1/3 viên bột. Cho nhân đậu xanh vào giữa viên bột rồi vê tròn, ấn nhẹ cho bánh hơi bẹt ra.
Khâu này cần một chút khéo léo, bánh hơi bẹt mà nhân vẫn được lớp bột bọc kín để tránh khi luộc bánh dễ bị vỡ. Đun nồi nước sôi già, nhẹ nhàng thả từng viên bánh chay vào, khi thấy nổi lên ấy là bánh đã chín.
Vớt bánh ra, thả chiếc bánh nóng hổi vào chậu nước lạnh đã chuẩn bị sẵn. Dân gian thường dùng cách này cho bánh không bị vỡ, không bị dính vào nhau. “Ba chìm bảy nổi với nước non” mà chiếc bánh vẫn trắng ngần, tròn lẳn, đẹp đến viên mãn.
Một công đoạn chẳng thể thiếu nữa là làm nước bánh chay. Đun nước đường vừa ngọt, cho bột sắn dây (hoặc bột đao) vào cho sánh. Đập một vài lát gừng nhỏ vào cho thơm. Mỗi bát hai ba viên bánh chay, chan nước đường ngập mặt bánh. Rắc vừng rang và đậu xanh lên trên, thêm mấy sợi dừa trắng nạo cho đẹp mắt. Để bát bánh chay thơm, có thể rắc vài giọt tinh dầu chuối hoặc hoa bưởi.
Bánh chay ngọt nhưng lại thanh mát, không ngấy, có vị bùi của nhân đậu xanh. Có thể ăn nóng hoặc khi trời lạnh đều hợp.
Bánh chay ăn kèm xôi nếp lại càng thú vị, ngoài vị ngọt mát còn có cả dẻo quánh của xôi, ăn một bát đã thấy lưng lửng bụng. Nhâm nhi miếng bánh chay ngọt mát trong miệng, thầm nhận ra đó là chắt chiu của bao nhiêu nắng gió, sớm khuya tảo tần…
Tục truyền rằng tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc. Truyện kể một ông vua vì hối hận và thương xót một bầy tôi trung thành thuở hàn vi của mình bị chết cháy, đã ban chiếu dân gian chỉ được ăn đồ nguội trong ngày mất của người này - mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Tết bánh trôi bánh chay chẳng biết người Việt có từ bao giờ. Nhưng cứ vào ngày này, nhà nào cũng làm bánh để cúng gia tiên. Rồi dân gian gọi luôn đó là “tết bánh trôi bánh chay” - cái tết thơm tho nhất trong năm.
Giờ đây chẳng cần đợi đến tết mồng 3 tháng 3 (âm lịch) mới có bánh trôi bánh chay. Món ăn này đã trở thành một món ăn phổ biến, ta có thể bắt gặp ở bất kỳ gánh hàng chè nào trên phố. |
Nguồn : Tuổi Trẻ