Hồi còn bé, cứ vào hè là tôi mong được về quê ra đồng gặt lúa giúp bà. Và những bữa “cơm thợ gặt” với món canh cua khoai sọ rau rút vẫn ngọt mát đậm đà mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.
|
Tô canh cua khoai sọ rau rút |
Những nhát liềm xoèn xoẹt hối hả trên đồng lúa đẫm sương, lúa chín vàng trĩu nặng xao xác ngả mình. Gốc rạ tươi nhột nhạt bàn chân con trẻ. Rồi những lần đứng thẳng lên nghỉ kéo dài hơn vì lưng đã mỏi. Nắng lên làm mồ hôi chảy ròng trên má. Mợ cười, nhắc cháu gái về giúp bà nấu cơm trưa cho thợ gặt.
Mà thật, tôi thích nhất được giúp bà nấu canh cua khoai sọ rau rút, món canh mà chỉ tên của nó đã gợi đến miền quê mộc mạc hiền lành.
Ao nhà bà năm nào cũng thả vài bè rau rút. Sau những cơn mưa rào nồng nhiệt đầu mùa hạ, những ngọn rau rút xanh ngắt vươn dài, non muốt, nổi bềnh bồng. Hai bà cháu chèo chiếc thuyền con lướt giữa những ngọn rau mơn man.
Bà ngắt từng ngọn, nghe tiếng “tách” thật giòn. Cháu đưa tay nghịch lớp phao trắng xốp mát mịn bao quanh ngọn rau, lẻo bẻo hỏi có phải tại có lớp phao trắng này mà những ngọn rau mới nổi bềnh bồng được phải không bà? Rồi dưới tán mít rợp mát góc sân, cháu nhặt từng ngọn rau rút.
Bàn tay vuốt tuột lớp phao trắng mượt thật thích, bẻ cọng thân thật gọn, ngắt ngọn lá xanh non với những chiếc lá nhỏ nhẹ mỏng tang…
|
Những bè rau rút |
Mớ cua đồng tươi rói bà làm sạch, để ráo, cho vào cối giã nhuyễn, lọc lấy nước. Tôi khêu gạch vàng ươm trong mai cua ra bát nhỏ. Mớ khoai sọ để dành từ mùa trước được cạo sạch vỏ, bổ đôi, nằm lặng im trong chậu nước, sắc trắng tinh hoặc ngả màu tím.
Bếp lửa đun rơm khói lam thơm, tro tàn bay nhẹ. Bà đun to lửa nồi nước lọc cua. Từng mảng thịt cua nối tiếp nhau nổi bềnh lên dày dần. Khi một vết rách trắng bọt xé toang tảng thịt cua là bà nhanh tay bớt lửa, vớt hết thịt cua ra bát để riêng. Bà cho khoai sọ vào nồi nước đun tiếp. Vừa làm bà vừa giảng giải cho cháu gái: nếu không vớt thịt cua ra thì khi đun khoai chín, thịt cua sẽ bị nát, không ngon và bát canh trông không đẹp.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nấu món canh cua khoai sọ rau rút, đủ tất cả như bà nấu khi xưa. Nhưng sao vẫn cứ nhớ hoài bè rau rút non mướt bồng bềnh và dáng bà kéo khăn lau trán… |
Khoai chín bở, bà cho rau rút vào, nêm vừa ăn, đun to lửa cho sôi bùng lên rồi nhanh tay bắc xuống. Bà nói canh này nấu thêm rau ngót cũng ngon, ăn lại mát.
Nắng hè đứng bóng. Những gánh lúa đã theo chân thợ gặt về sân. Bữa cơm trưa được dọn ra tươm tất. Những bát chiết yêu nghi ngút món canh hấp dẫn. Khoai sọ trắng phớt tím. Những đốt thân rau rút xanh màu cẩm thạch, ngọn lá xanh ngắt. Thịt cua từng mảng dày chắc màu nâu tím. Chút gạch cua bà đã phi với hành củ thơm lừng, vàng óng ánh điểm xuyết trên mặt bát.
Hương rau rút thơm ngát, dân dã mà riêng biệt như mời mọc. Bên cạnh là đĩa cà pháo trắng giòn, đĩa tép đồng rang đỏ au xen những lát khế vàng. Cơm trong nồi đồng chín tới bốc khói… Cậu múc liền bát canh, xuýt xoa: nước canh ngọt đậm, khoai chín bở, rau rút giòn mà mềm… Ăn no canh của bà mà không biết chán.
Bát canh bình dị ngọt ngào hương vị đồng quê và đậm đà tình thương yêu trìu mến của bà. Cái nắng nóng mùa hè như dịu hẳn đi. Nhìn các con cháu rộn ràng quây quần, bà cười vui, kéo chiếc khăn vắt vai lau mồ hôi…
Nguồn : Tuổi Trẻ