Từ đầu năm đến nay, số cột quảng cáo tour Việt Nam trên báo chí Đan Mạch đã ngang với tour Thái Lan, là nước đứng thứ 6/10 điểm đến được người Đan Mạch ưa chuộng nhất trong năm 2009. Một trong những nguyên nhân chính giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của châu Á là ẩm thực.
|
Khách Đan Mạch thưởng thức gỏi cuốn tại nhà hàng Viet Sense |
Tại Bắc Âu - một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam, trước đây tour Việt Nam không thể cạnh tranh với tour Thái Lan, Malaysia vì giá cao hơn từ 30-40% mà chất lượng phục vụ lại kém hơn. Nhưng giờ tình hình đã thay đổi.
“Nghe đã thấy Việt”
Nếu khoảng 10, 15 năm trước nhiều người phương Tây vẫn nhầm bếp Việt với bếp Hoa, thậm chí một số nhà hàng Việt bên trời Tây phải trưng biển nhà hàng Hoa cho dễ bề thu hút khách, nay đến nhà hàng Việt đang là “mốt”.
Tại Copenhagen số nhà hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều với các tên “nghe đã thấy Việt” như Việt Nam Nam, Hà Nội, Saigon quán, chuỗi nhà hàng Saigon 1, 2, 3, Viet Sense, Mình Ơi (đa số thực khách không biết phát âm hai từ này thế nào!)... Đó là chưa kể đến các nhà hàng Hoa, Thái có bán thêm món Việt.
Thực khách phương Tây bị món ăn Việt hấp dẫn do thực đơn phong phú, món ăn ít dầu mỡ, có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay ở mức vừa phải và còn thuộc loại... dễ tính, có thể dùng với cơm, bún, mì, hủ tiếu và cả bánh mì.
Tuy nhiên, các nhà hàng Việt tại trời Tây, đặc biệt các nước Bắc Âu, cũng bị hạn chế vì sự khan hiếm nguyên liệu, nhất là các loại rau xanh, rau thơm vì ngành nông sản thực phẩm Việt Nam chưa có được hệ thống phân phối toàn châu Âu như người Hoa hay Thái. Các cửa hàng Thái hầu như có đủ các thức, từ mắm nêm hiệu Saigon (nhưng “made in Thailand”), rau muống, húng quế, ngò gai, tía tô... đều có đủ nhưng hương vị vẫn khác hàng Việt thứ thiệt.
Thời cơ cho ẩm thực Việt
Sự phổ biến của ẩm thực Việt tại nước ngoài hiện nay tuy là điều đáng mừng và hãnh diện nhưng làm nảy sinh một số vấn đề. Một số nhà hàng, cả nhà hàng Việt lẫn các nhà hàng Hoa, Thái có bán món Việt, đã tùy tiện thay đổi công thức chế biến vì những lý do khác nhau như cho hợp khẩu vị người nước ngoài, theo trào lưu hay đơn thuần là do quan niệm “tây” thì không biết món “ta” ra thế nào... như chả giò Việt mà nhúng thêm một lớp bột ra ngoài (kiểu chả giò Tiều) cho giòn lâu, cá hấp bị đổi thành cá luộc, gỏi cuốn có thêm trứng chiên xắt sợi cho đẹp.
Chả giò cuốn sẵn có bán trong chuỗi siêu thị Super Best của Đan Mạch có thành phần gồm thịt heo, hành củ, hành lá, ớt Đà Lạt và rau thơm oregano (một loại rau thơm xuất xứ từ miền Provence của Pháp, có mùi hăng hăng).
Trang ẩm thực của nhật báo Berlingke Tidende hướng dẫn bạn đọc làm gỏi cuốn Việt Nam với tôm, thịt heo, cọng cà rốt và măng tây! Trước đây người Nhật cũng đau đầu về những “biến tấu” của món sushi tại nước ngoài nên đã phải đẩy mạnh việc bảo vệ công thức làm sushi truyền thống và xuất khẩu những bộ “sushi kit” để người tiêu dùng có thể làm những cuốn sushi đúng kiểu Nhật.
Có thể nói khi thức ăn nhanh dần dà phải nhường chỗ cho các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không gây béo phì, dẫn đến các chứng bệnh về tim mạch thì thời cơ đã tới cho ẩm thực Việt. Vấn đề là công tác quảng bá cho văn hóa ẩm thực của ta cần có chiến lược bài bản của ngành du lịch và sự hợp tác của các cơ quan chức năng cùng các hiệp hội xuất khẩu nông sản, chứ không thể là chuyện của riêng các nhà hàng trong và ngoài nước.
Nguồn : Tuổi Trẻ