Măng tươi có thể chế biến thành nhiều món ngon, nhưng mẹ tôi thích hầm măng với giò heo; bà ngoại lại muốn ăn măng xào thịt vịt xiêm, làm nhưn bánh xèo; các dì thì làm gỏi măng với tôm càng cho chồng nhậu.
Măng tươi mới thu hoạch ăn liền là ngon nhất, nhưng vẫn phải qua khâu sơ chế. Sau khi tách bỏ bẹ, lấy phần lõi non xắt to nhỏ tùy thích rồi ngâm xả nước lạnh vài lần và cuối cùng là cho vô nồi luộc trên bếp mà không đậy nắp. Khi luộc măng để nước sôi cho lâu nhằm bốc bớt chất độc (hydrogen cyanide). Có thể thay nước và luộc lại lần nữa cho măng mềm ngon và bớt đắng.
Măng tre có thể ăn tươi như vừa kể, nhưng cũng có thể chế biến thành măng chua hoặc khô. Có người ăn sành điệu còn xé nhỏ măng sau khi luộc để cuốn với rau, bún, thịt ba chỉ luộc, rồi chấm nước mắm ớt chanh đường. Măng khô đem chế biến món bún măng vịt, còn măng chua thì nấu với cá lăng cũng là những món ăn khoái khẩu. Tháng ăn chay, kho măng với đậu hủ cũng là món ăn hấp dẫn.
Theo y học cổ truyền, măng tre có vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình. Măng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chỉ khát, tiêu đờm, nhuận táo, chống co thắt. Măng tre có thể chữa được một số bệnh như sốt cao, ho, mụn nhọt... Còn theo tây y, tinh tre giúp chữa các bệnh ho, suyễn và làm cả thuốc kích dục.
Măng tre rất giàu chất xơ (6-8 gam/100 gam trọng lượng tươi), có tác dụng ổn định đường huyết, mỡ máu và giúp giảm cân, ngừa ung thư đại tràng và tuyến vú. Ngoài ra, măng còn chứa nhiều axit amin thiết yếu; các loại vitamin như A, B và E; và nhiều chất khoáng như canxi, sắt, đồng, kali...
Măng tre có chức năng như một món khai vị, kích thích sự thèm ăn. Tuy nhiên, người đang ở giai đoạn dưỡng bệnh thì không nên dùng măng tre vì có thể bị khó tiêu.
TTO