Hà Tĩnh, mảnh đất của thiên nhiên mộng mơ, của lòng người hồn hậu và không thể quên nhắc tới văn hóa ẩm thực độc đáo. Giữa muôn vàn món ngon dân dã, mọi người nhất định phải nếm thử món ram bánh mướt Hà Tĩnh.
Theo tiếng của người Hà Tĩnh, “ram” là một từ dùng để chỉ món nem rán trong tiếng phổ thông, “bánh mướt” là cách gọi khác của từ “bánh cuốn”, “bánh ướt”… Với văn hóa ẩm thực miền Bắc, người dân thường cuốn bánh mướt với nhân thịt, khi tráng sẽ cho nhiều mỡ hơn. Tuy nhiên với người Hà Tĩnh, phần nhân bánh mướt lại gồm chả hoặc canh gà, đồng thời khi rán sẽ không cho mỡ. Chính vậy, khi ăn bánh mướt Hà Tĩnh sẽ cảm nhận rõ vị mát lành và hết sức thanh đạm.
Món ăn đậm vị Hà Tĩnh hết sức đặc trưng, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo nhưng không ngấy mà bất kỳ ai khi đến với xứ Nghệ đều không thể bỏ qua. Đặc biệt, ram bánh mướt còn phù hợp để thưởng thức trong bất cứ thời điểm, tiết trời nào của Việt Nam. Vào mùa đông, cái lạnh buốt của những cơn mưa phùn càng khiến chiếc ram nóng giòn, cuộn trong lớp bánh mướt, chấm cùng nước mắm ớt tỏi chanh đủ thêm phần tuyệt vời. Còn ngày hè nóng bức, thú vui của người đi ăn ram bánh mướt lại có chút thay đổi. Sự mát lành của bánh mướt cộng với một chiếc ram đã được cuốn sẵn hay miếng giò lụa ăn với nước chấm được pha nhạt và thanh hơn một chút.
Điều tạo nên sự khác biệt của món ram bánh mướt Hà Tĩnh là lớp vỏ phải làm từ vỏ ram Hà Tĩnh. Vỏ bánh được người dân địa phương làm rất kỳ công khi mọi quy trình đều tạo nên bằng đôi tay điêu luyện. Sau khi tráng, bánh trải trên từng tấm phên (hay gọi là giàng) làm bằng tre sẽ quyết định đến chất lượng. Nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc còn trời nắng to hoặc quá hanh sẽ bị giòn, nứt vỏ không đạt tiêu chuẩn.
Để vỏ ram bánh mướt có độ dẻo, vỏ bánh sẽ được đem đi phơi sương. Đây là cách làm truyền thống, cũng là bí quyết làm nghề giúp lá bánh dẻo, mềm, dễ cuốn và khi rán lên có màu vàng, không ngấm mỡ, giòn rụm rất vừa miệng. Vì vỏ ram bánh mướt không có chất bảo quản nên muốn lưu trữ lâu phải để trong ngăn đá tủ lạnh. Khi lấy ra cuốn, chỉ cần để khoảng 10 phút, bánh sẽ mềm dẻo như mới.
Bánh mướt của món ram bánh mướt Hà Tĩnh được làm từ bột gạo nếp nguyên chất do chính người dân trồng. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc và mịn. Người thợ chuyên nghiệp cần biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai, vừa trắng lại vừa thơm. Bột nghiền xong cũng chưa thể tráng mà phải để lắng trong nước khoảng 2 giờ trở lên, người ta gọi đó là ủ bột. Hỗn hợp bột gạo nếp lỏng sau đó được tráng trên nồi, hấp với nhiệt độ nóng cho kết dính lại mới tạo thành bánh mướt. Tiếp đến còn quét thêm một lớp hành phi vàng rụm, thơm nức và vô cùng quyến rũ.
Ảnh: Internet
Để ăn cùng món ram bánh mướt buộc phải có nước mắm chanh tỏi ớt. Sự kết hợp giữa hai loại bánh ram chiên giòn và bánh mướt dẻo dai làm cho món ăn trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Khi ăn, cuốn bánh mướt cùng ram, chấm vào nước chấm tỏi ớt sẽ cảm nhận vị béo giòn của ram, dẻo bùi của bánh và vị chua thanh từ nước mắm ớt nơi đầu lưỡi, một hương vị không thể chê vào đâu được!
Không phải món ăn quá cao sang, đắt đỏ nhưng ram bánh mướt vẫn luôn là một niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực của người dân Hà Tĩnh. Vậy nên nếu có dịp đến thăm Hà Tĩnh, bạn nhất định phải ăn thử món ăn độc đáo này nhé!
Theo Wanderlust Tips
Sưu tầm: Ngô Diệp