Những ai từng một lần qua làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh mà chưa thưởng thức hương vị của bánh phu thê của quê hương quan họ thì coi như chưa thấm thía trọn vẹn đặc trưng của văn hóa Kinh Bắc.
Bánh Phu Thê Đình Bảng |
Câu chuyện về xuất xứ của bánh phu thê, một thứ quà giản dị, thơm dẻo, ngọt ngào đã được lưu truyền trong dân gian, đến những em nhỏ của làng bánh cổ truyền này cũng có thể kể trọn vẹn.
Theo truyền thuyết, thời Lý vào những ngày hội hè hay ngày Tết, dân làng Đình Bảng thường dùng sản vật mình đã cấy trồng ra làm bánh Su Sê, thành tâm dâng cúng tổ tiên, rồi cùng hưởng lộc. Một lần hội làng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi Ỷ Lan về quê lễ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở Đền Đô. Tại đây, dân làng đã dâng Đức vua và Nguyên Phi đặc sản của quê hương là bánh Su Sê. Đức vua và Nguyên Phi thưởng thức món bánh này và khen ngon. Thấu suốt sự hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn của loại bánh ngon, nhà vua đã truyền rằng bánh nên là một lễ vật trong ngày vui kết thành phu thê. Từ đó, bánh được gọi là bánh Phu Thê.
Cầm cặp bánh Phu Thê trên tay, ấn tượng đầu tiên là màu lá dong xanh tươi tắn sắc quê. Sợi chỉ đỏ thắt nhẹ như những sợi tơ hồng vấn vít. Bánh có màu vàng tươi của thứ nước giã từ quả dành dành. Mùi thơm của nếp ngon được thu hoạch từ những mảnh ruộng trồng nguyên nếp, tuyệt đối không lẫn tẻ. Bà Lụa, một truyền nhân 4 đời của nghề làm bánh Phu Thê, chủ thương hiệu bánh Phu Thê Lụa Xuân nổi tiếng nhất nhì làng Đình Bảng cho hay “Loại gạo nếp dùng để lọc lấy tinh bột làm bánh Phu Thê phải là loại gạo được trồng cấy riêng, tuyệt đối không lẫn tẻ. Nếu không, bánh sẽ giảm độ dẻo thơm, không còn hương vị đặc trưng của nếp cái hoa vàng”.
Với một kg gạo nếp chỉ lọc được nửa kg tinh bột, bánh Phu Thê Đình Bảng ngon bởi độ mịn thơm của tinh túy gạo nếp, vị thanh của đu đủ xanh nạo, của nhân bánh với đậu xanh, hạt sen, dừa nạo, vừng, dầu chuối, thức nào cũng được chọn lọc kỹ để làm dậy hương, dậy vị tối đa cho chiếc bánh.
Có ghé cơ sở làm bánh Phu Thê Lụa Xuân, mới biết được công phu làm bánh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Lụa. Người nào thức ấy, vừa trò chuyện, bà Lụa và những cô cháu gái vừa thoăn thoắt hoàn thành các công đoạn cho ra sản phẩm là những cặp bánh Phu Thê vuông vắn, dày dặn, hấp dẫn. Nghỉ hưu từ năm 1981, hơn 20 năm qua, cùng với những bạn nghề, bà Lụa đã đưa ra thương hiệu bánh Phu Thê làng Đình Bảng. Ít tham gia các hội chợ, làng nghề nhưng bánh Phu Thê của cơ sở sản xuất Lụa Xuân, của bà con làm nghề làng Đình Bảng vẫn được nhiều khách nghe tiếng thơm tìm đến.
Một buổi chiều Xuân ngồi thưởng thức bánh Phu Thê bên ấm trà thơm dưới chái nhà nhỏ của cơ sở sản xuất bánh Phu Thê Lụa Xuân, cứ một lúc tôi lại thấy một người đến hỏi mua vài, ba hoặc vài ba chục cặp bánh Phu Thê. Già có, trẻ có nhưng người nào cũng ăn mặc giản dị, cười nói thân tình và chủ yếu đi xe đạp hoặc đi bộ đến. “Toàn bà con trong làng hoặc khách quen gần đây, người thì mua về làm quà, thêm vào lễ ăn hỏi, cưới xin hay đơn giản là mua cho bữa cỗ quây quần của gia đình. Có người lại đến mua chỉ vì mê, vì nhớ vị ngon ngọt thân thương của đặc sản quê hương được làm một cách gần nguyên bản, lành thơm nhất nhì làng Đình Bảng”.
Phong vị ẩm thực đặc biệt của bánh Phu Thê quê hương thi sĩ Hoàng Cầm thấm thía vào giác quan tinh tế dù chỉ một lần thưởng thức. Chớ vội vàng ăn bánh Phu Thê khi mới ra lò, bánh ngon nhất là bánh làm từ hôm trước, sau một thời gian ấn định là một ngày một đêm, vừa dẻo, ngon, mềm, giòn.
Là loại bánh có hương vị ngọt thanh dễ nhớ, có hình khối đẹp mắt, giản dị, vừa phải, bánh Phu Thê Đình Bảng, giống như cốm làng Vòng, trở thành một thức quà đậm đà mà thanh nhã, giản dị, chân chất mà tinh tế, đặc biệt nhưng không quá đắt, được mang đi khắp mọi miền đất nước, để nhớ, để thương cho những người biết và say hương vị ẩm thực phong phú của quê hương, đất nước.
Hãy đến làng Đình Bảng một lần, không phải để tìm “Lá diêu bông” mà để hòa vào không khí của làng nghề làm bánh cổ truyền nổi tiếng, để say hương bánh “Phu Thê vui chuyện xóm làng; Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên” (thơ Võ Quê).
Nguồn : ĐĐK