Dân trí - Đứng trước một món ăn hấp dẫn cả về màu sắc, hương thơm lẫn mùi vị, chắc chắn sẽ chẳng ai muốn chối từ. Thế nhưng, ở Tây Bắc lại có những đặc sản mang đến cho thực khách cảm giác rờn rợn, chần chừ chẳng dám ăn ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc.
Muồm muỗm
Cứ vào thời điểm lúa ngoài đồng chín rộ, người dân Yên Bái lại rủ nhau đi bắt muồm muỗm. Để bắt được những con đậu tít trên cao, người ta phải dùng đến chiếc sào tự chế đặc biệt. Thoạt trông, loài vật này có vẻ giống con cào cào, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy mình nó thon, cánh nhỏ gọn hơn nhiều.
Đặc sản muồm muỗm lừng danh ở Yên Bái.
Khâu sơ chế muồm muỗm không hề đơn giản, nhất thiết phải trải qua đủ 4 bước: vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột. Đối với thực khách và cả người dân bản địa, muồm muỗm rang giòn hoặc nướng chín vẫn là những món ăn được được ưa chuộng nhất.
Khi chín, muồm muỗm sẽ chuyển thành màu vàng sậm, toàn thân căng bóng. Hương thơm hấp dẫn tỏa ra từ món ăn sẽ đánh thức vị giác, cuốn hút cả người lớn, trẻ nhỏ và những người chưa từng ăn muồm muỗm bao giờ. Ngay từ miếng đầu tiên, thực khách sẽ “chết mê” với vị ngọt, bùi bùi, béo ngậy mà không thấy ngấy.
Bọ xít rừng
Cho dù có là người ưa thích các món ăn từ côn trùng, nhưng khi nhìn thấy đĩa bọ xít, chắc hẳn thực khách vẫn phải chần chừ vì nhớ đến thứ mùi đáng sợ trên cơ thể nó.
Bọ xít rừng tuy có mùi hôi hơn nhiều so với bọ xít thông thường nhưng lại hiếm, ngon và bổ hơn nên được bán với giá khá cao. Loài côn trùng này sống rải rác ở khắp nơi, thậm chí làm tổ ngay trong những hốc đá.
Không phải thực khách nào cũng dám thử bọ xít.
Sau khi đem về, bọ xít sẽ được khử mùi bằng cách đem thả vào nước muối loãng một lượt cho phun bớt tuyến hôi. Tiếp đó, người ta ngâm và rửa sạch chúng trong nước măng chua. Đến công đoạn chế biến, bọ xít được rang lên vàng ruộm, bày ra đĩa cùng với lá chanh thái nhỏ.
Lúc này, mùi hôi đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là hương vị đặc trưng của bọ xít rang và mùi thơm nồng nhẹ của lá chanh.
Thịt thối
Có lẽ chỉ cần nghe đến tên, nhiều người đã phải nhăn mặt, vội từ chối món ăn kì lạ này. Nhưng ít ai biết rằng, thịt thối được xếp vào hàng “tứ đại đặc sản” của người đồng bào dân tộc Thái mạn Mường La (Sơn La).
Một trong “tứ đại đặc sản” Sơn La.
Món này được chế biến bằng cách: lợn hoặc bò sau khi được xẻ thịt sẽ chọn những phần ngon nhất đem phơi nắng. Qua một vài nắng, miếng thịt tự nhiên khô lại rồi tiếp tục được tẩm với nước của một loại rau thơm cho ngấm vào bên trong, sau đó đem bỏ vào chum ủ kín và rắc lên một ít muối.
Vì không được ướp với nhiều muối nên thịt sẽ phân huỷ, phần thịt ngon bị chín bởi ánh nắng sẽ không tan mà đóng cục. Khi công đoạn ủ kéo dài khoảng 10 ngày, người ta mở ra và cho vào đó một ít thảo dược. Nếu có khách quý, món thịt thối sẽ được lấy ra nấu chín cùng rêu suối, cơm nguội và ăn kèm với lá sung.
Sâu tre
Sâu tre (hay sâu măng) được coi là đặc sản của người Thái ở Tây Bắc. Vào mùa lạnh, khi những cơn mưa mang không khí ẩm ướt đến núi rừng thì nhiều người bắt đầu mang gùi vào rừng đi bắt sâu. Sâu tre to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.
Đĩa sâu tre vàng óng, dậy mùi hấp dẫn.
Từ sâu tre có thể làm ra nhiều món ngon, nhưng ngon nhất vẫn là xào lá chanh. Đĩa sâu tre vàng tươi, có mùi thơm rất hấp dẫn nhưng không phải ai cũng can đảm để đưa lên miệng thử.
Sâu tre là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà chỉ những vị khách may mắn mới được thết đãi. Ngoài ra, sâu tre còn được người dân lựa chọn làm nguyên liệu ngâm rượu, sau khoảng một tháng là có thể đem ra sử dụng.
Lá ngón
Từ muôn đời nay, ai cũng biết lá ngón là một thứ cực độc. Ấy thế nhưng ở Mường So (Lai Châu), người ta trồng lá ngón ngay trong vườn nhà để dùng như một món khoái khẩu, thậm chí là đặc sản không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết.
Khi đem lá ngón độc so sánh với loại lá ngón đặc sản, người ta thấy rằng cây lá ngón ăn được cũng có thân leo, nhưng lá của nó tròn và ngắn hơn, bản lá to như bàn tay. Thêm nữa, cây lá ngón độc thường nở hoa trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10, còn cây lá ngón ăn được lại nở hoa vào dịp gần Tết Nguyên đán.
Lá ngón xào tỏi – món ăn cực “độc” ở Mường So.
Người Thái trắng ở Mường So dùng lá và hoa của cây này để luộc, nấu canh hoặc làm các món xào thay rau rừng. Thực khách lần đầu ngồi trước đĩa lá ngón sẽ không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Nhưng sau khi đưa vào miệng, miếng lá ngón xào lại trở thành thứ đưa đẩy khiến mâm cơm có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (lễ hội ẩm thực) của người Thái Mường So ngày xuân thì chắc chắn phải có lá ngón. Đây là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban phúc cho một vụ mùa bội thu.
Hoàng Ngọc