Dân trí - Ở vùng cao Tây Bắc có rất nhiều món đặc sản nổi tiếng được du khách tìm thưởng thức. Tuy nhiên, có những đặc sản Lào Cai tuy ít đâu có được nhưng lại khiến thực khách lần đầu nhìn thấy phải phát khiếp. Đó là món con tằm gai ăn lá sắn rang khô với lá chanh, món măng đắng chấm mẻ chua, món trứng kiến đen đồ xôi nếp...
Món tằm gai rang giòn
Từ khá lâu rồi, vùng Lào Cai – Cam Đường đã xuất hiện món rang mặn cả con tằm ăn lá sắn, thay cho việc chờ giống tằm này biến thành nhộng như tằm ăn lá dâu mới chế biến thành món ăn ngon.
Tằm này là giống của Ấn Độ và du nhập vào vùng trung du miền núi phía Bắc nước ta từ những năm 70 của thế kỷ trước. Do dễ nuôi và năng suất cao nên thời đó, ở vùng thấp tỉnh Lào Cai phát triển mạnh phong trào nuôi tằm ăn lá sắn để cải thiện bữa ăn cho các gia đình.
Tằm ăn lá sắn.
Giống tằm này rất ít tơ, tơ lại có màu trắng ngà nên người ta nuôi chủ yếu để lấy nhộng làm thức ăn. Thời ấy, do thiếu vải mặc nên có gia đình đã có “sáng kiến” cho tằm tự do nhả tơ, tạo thành những tấm vải trông khác thường để làm khăn quấn cổ cho trẻ em hoặc làm gối ngủ của người già.
Cũng vì thiếu thức ăn, nên có nhà chỉ nuôi tằm Ấn Độ tới lúc chúng dừng ăn lá sắn và thân tằm chuyển sang màu đỏ như tôm thì mang rang khô với muối để ăn. Nhìn những con tằm to như con sâu khoai, thân mình đầy gai, ai cũng sợ chứ đừng nói là gắp ăn ngon lành. Chả thế mà thời bao cấp, có không ít người thà ăn cơm với muối trắng còn hơn nhắm mắt ăn cơm với món tằm lá sắn rang vàng thơm phức...
Món ăn này là kỷ niệm một thời Lào Cai cùng cả nước trải qua những ngày gian khó nhất, tưởng không bao giờ lại được nhìn thấy chứ đừng nói là được ăn lại món đặc biệt này.
Không hiểu do con tằm ăn lá sắn nuôi hiệu quả kinh tế hay lại được người tiêu dùng chấp nhận nên hôm nay, các chợ ở thành phố Lào Cai ngày nào cũng có người bán tằm ăn lá sắn mang lên từ vùng Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn. Giá bán không rẻ chút nào, mua lẻ từ 150 – 180 ngàn đồng/ kg, cao gần gấp ba giá mua một cân cá trắm cỏ.
Món tằm ăn lá sắn Ấn Độ đã trở lại không ít bữa cơm gia đình ở thành phố Lào Cai, kể cả những gia đình khá giả. Xin nói thêm, tằm ăn lá sắn chế biến khá đơn giản. Sau khi trần qua nước sôi cho tằm nhả hết chất bẩn là có thể cho vào chảo, chiên giòn thành món đặc sản nhậu lai rai với bạn bè hoặc rang lẫn lá chanh cho tới khô quắt, làm món chính ăn cơm rất ngon.
Món xôi nếp trứng kiến rừng
Đồng bào dân tộc ít người Lào Cai có nhiều món ngon rất độc đáo để chiêu đãi khách quý hoặc nấu nhân dịp ngày lễ tết. Trong số đó, món xôi nếp đồ lẫn với trứng kiến đen của người Dao, người Dáy lấy từ trên núi cao mang về là món đặc sản không phải ai cũng được thưởng thức.
Tổ kiến đen trước khi đem chế biến.
Món này ăn có hương vị thơm ngon như nhộng dâu tằm hay nhộng ong mật. Tuy nhiên, có người không thể ăn được vì dễ gây dị ứng da. Còn người yếu bóng vía chỉ nhìn thấy người ta bới tổ kiến tìm trứng đã ngại không muốn ăn...
Ngày xưa, rừng Lào Cai rất nhiều tổ kiến có thể lấy trứng chế biến món ăn truyền thống. Nhưng ngày nay phải vào rừng xa còn nhiều cây rừng tự nhiên thì mới có tổ kiến đen cho trứng nấu xôi.
Cuối mùa hè, đầu mùa thu là dịp kiến đen cho trứng ngon nhất, còn mùa khác kiến đen không đẻ trứng hoặc trứng gầy. Đây cũng là mùa lúa nếp thơm cho lúa non làm cốm. Xôi cốm nếp nấu xen cùng trứng kiến ăn một lần nhớ cả đời.
Ông Bạch A Dỉn là một người Dáy ở vùng Tả Phời, có tài vào rừng tìm trứng kiến đen nấu xôi kể với tôi nỗi khổ khi đi kiếm tổ kiến đen lấy trứng, bị chúng đốt gãi cả tuần không hết mẩn ngứa. Vì thế phải có mẹo mới không khổ.
Mẹo ấy là chờ đến tối đêm cho kiến chui hết vào tổ, lấy bùn trát các cửa vào, chặn kiến từ trong chui ra, cho vào bao tải mang về nhà dìm xuống nước, sau đó lấy dao rạch tổ lấy trứng kiến mang đi đãi cho sạch tạp chất. Tổ nhiều cho 1, 2 lạng trứng kiến, nấu đủ một chõ xôi nếp nhỏ. Nhưng có hôm gặp may lại được tổ kiến không to lắm nhưng lại cho nhiều trứng hơn.
Măng đắng chấm mẻ chua
Không ít người vùng núi Lào Cai – Yên Bái rất thích món đặc sản dân dã của người dân tộc Tày, đó là món măng vầu đắng chấm mẻ chua. Đây là món ăn không thể không có trong bữa liên hoan ngày tết của người Tày vùng Bảo Yên, Văn Bàn.
Măng đắng là đặc sản dân dã.
Thông thường, người tiêu dùng biết nhiều hơn món măng vầu ngọt xào lòng gà hoặc lá bẹ non măng vầu không đắng nấu thịt vịt. Còn món măng vầu đắng, càng đắng càng tốt luộc chín lên và chấm lẫn mẻ chua (hoặc bỗng rượu nếp) là món khoái khẩu của rất nhiều trai làng vùng người Tày.
Chả thế mà dịp tết đến, hầu như nhà nào cũng cố kiếm một sọt măng đắng dành đãi khách khi tới thăm nhà. Một số gia đình ở thành phố Lào Cai phải nhờ người nhà mua từ vùng Long Phúc, Long Khánh gửi lên.
Bài và ảnh: Phạm Ngọc Triển