Khi ăn, chất tơ và cả con tằm dẻo quánh, rồi tan ra giữa hai hàm răng, thấm vị tằm thơm mùi lá chanh trên đầu lưỡi, ngon đến kỳ lạ. Ở vùng đất Tổ có rất nhiều món ngon mà du khách khó lòng bỏ qua.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt heo tươi sống được ủ trong thính gạo, để chín tự nhiên một thời gian là đã có món khoái khẩu không thể thiếu trong những buổi tiệc của người dân Thanh Sơn. Không chỉ đặc biệt ở cách chế biến, món thịt chua Thanh Sơn còn được làm từ heo do chính người dân ở đây nuôi, chủ yếu bằng rau củ nên có vị ngon ngọt tự nhiên.
Ăn kèm với lá sung hoặc đinh lăng, chấm cùng với một chút tương ớt, món thịt chua Thanh Sơn mang đến cho người thưởng thức những cung bậc cảm xúc phong phú hơn bao giờ hết.
Thịt chua Thanh Sơn nổi tiếng làm món ăn ngon được nhiều người ưa thích
Ăn kèm với lá sung hoặc đinh lăng, chấm cùng với một chút tương ớt, thịt chua Thanh Sơn khiến người ăn khó mà quên được
Tằm rang lá chanh
Đây là tằm chứ không phải là nhộng tằm, có lẽ chỉ có những người nuôi tằm mới có “độc chiêu” cho món ăn này. Tằm chọn đem rang phải là những chú “tằm sùn”.
Khi tằm bắt đầu lên né làm kén, người chăn tằm gọi là "ổ the", bởi vì tằm mới chỉ làm được phần áo mỏng bên ngoài của kén, ta vẫn còn trông thấy con tằm bên trong qua làn tơ mỏng như the. Nếu né tằm bị phơi nắng nóng quá, con tằm bên trong sẽ cắn "ổ the" chui ra. Nếu tằm chín vào ngày mưa, người chăn tằm phải đốt lửa sấy; lửa than cháy to quá, con tằm đã làm "ổ the" cũng cắn tổ chui ra. Người chăn tằm chưa có kinh nghiệm chăm sóc lúc tằm lên né sẽ có nhiều “tằm sùn”, hay còn gọi là những chú “tằm lười vụng về làm ổ”.
Người ta đem tằm sùn thả vào chậu đầy nước, khoắng rửa cho sạch, rồi chần trong nước sôi. Lấy đũa cuộn hết những sợi tơ quyện vào đũa, bỏ đi. Tằm được bỏ vào chảo rang cùng với muối, đảo luôn tay để tránh bị khét. Khi những con tằm đã săn lại thì múc tằm ra đĩa, để riêng.
Người ta rắc một ít lá chanh thái chỉ vào chảo tằm rang vừa bắc xuống. Số lá chanh còn lại được rắc lên trên đĩa tằm rang cho đẹp mắt.
Con tằm sùn rang khéo có màu vàng trong như cánh hoa lan ướp khô. Chất tơ còn lại trong bụng tằm lên màu đỏ vàng như lòng đỏ trứng gà còn tươi.
Xưa kia trong những vùng quê làm nghề chăn tằm có tục "ăn mải", như đã thành một nếp sống của nghề tằm. Khi tằm chín, nhặt kén xong, mọi người cùng nhau ăn mừng. Xóm giềng ngồi bên mâm cỗ nâng chén mời nhau, chúc tụng nhau có những lứa tằm tốt bội, nghề tằm của làng thêm phát đạt. Và món khai vị bao giờ cũng là đĩa tằm rang lá chanh vàng óng.
Khi ăn, chất tơ và cả con tằm dẻo quánh, rồi tan ra giữa hai hàm răng, thấm vị tằm thơm mùi lá chanh trên đầu lưỡi, ngon đến kỳ lạ.
Tằm rang lá chanh là món đặc sản nơi đây
Bánh Tai Phú Thọ
Bánh Tai có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt heo với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có.
Bánh đạt yêu cầu thì đảm bảo thơm mùi bột quyện trong mùi nhân thịt thơm ngầy ngậy. Khi ăn bánh sẽ có cảm giác dẻo, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả bánh, tạo ra vị béo mà không ngán.
Bánh Tai Phú Thọ giờ đây không chỉ là ẩm thực tại quê nhà, mà đã trở thành món quà ẩm thực vừa quý vừa lạ với bạn bè khắp đất nước. Những chiếc bánh Tai như gói trọn yêu thương, những hương vị đặc sản của quê hương đến với tất cả mọi người.
Món xáo chuối
Không cầu kì mà vô cùng dân dã, xáo chuối là một món ăn đặc trưng của Phú Thọ mà bất cứ người con nào đi xa cũng luôn nhớ về.
Món xáo chuối được làm từ các nguyên liệu: Chuối, xương, tương, riềng, tiết heo và các gia vị khác như: hạt tiêu, bột ngọt… Những nguyên liệu này tuy dễ kiếm nhưng phải bảo đảm những yêu cầu khắt khe thì mới có được một chén xáo chuối thơm ngon, bổ dưỡng.
Xương phải là loại xương sườn nhiều thịt, chặt nhỏ, tẩm gia vị rồi đem đảo qua trên chảo. Chuối cũng phải là loại chuối tiêu còn xanh, nhưng không được quá non, hay già quá. Vì như vậy sẽ làm mất đi vị ngon của chuối.
Chuối được cắt thành khúc nhỏ. Sau khi cho xương, chuối vào nồi, người ta cho riềng giã nhỏ vào cùng với các loại gia vị và một muôi tương.
Sau khi đã cho đủ nguyên liệu và gia vị cần thiết vào nồi, người ta cho nước săm sắp với chuối, nấu cho đến khi chuối chín nhừ thì cho tiết lợn vào đánh nhuyễn, rồi đun trên bếp khoảng mươi phút là được.
Sự kết hợp dân dã của các nguyên liệu sẵn có đã cho ra đời một món ăn không chỉ làm hài lòng vị giác, mà còn trở thành niềm tự hào, một nét văn hóa của vùng đất vua Hùng
Đặc sản sắn Phú Thọ
Khoanh sắn trắng ngần, thơm nức, chấm với đường trắng thì ngon tuyệt. Vị ngon ấy ta chỉ có thể nếm được ở một loại cây không chê đất nghèo mà vươn lên xanh tốt.
Gặp được món quà sắn tỏa khói thơm phức, những người khách từ phương xa đi thăm Đền Hùng lại tấm tắc khen rồi cùng nhau hoài niệm về một thời ở nơi non cao.
Trên những sườn đồi khô cằn, những nương sắn vẫn xanh tươi bởi bàn tay gieo trồng của những người nông dân, góp thêm hương vị cho cuộc sống.
Những người có tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Tổ thường không thể nào quên món rau sắn chua nấu cá.
Ngọn rau sắn chế biến được thành nhiều món ngon, như rau sắn luộc, rau sắn xào tỏi... Nhưng trong đó cầu kỳ nhất, “sang chảnh” nhất là món rau sắn muối chua nấu móng giò hoặc cá. “Sang chảnh” bởi giờ đây khi đời sống được nâng lên, những món này nghe hết sức đơn giản và bình thường, nhưng trước kia, chỉ khi nào cải thiện bữa ăn hoặc nhà có khách thì người Phú Thọ mới nấu món này để thết đãi.
Một điểm đặc biệt là rau sắn để ăn chỉ hái ở bờ rào, hoặc ở các bụi sắn dâm trong vườn để chờ tới vụ trồng, vì ngọn rau sắn ở đây do được hái thường xuyên nên non và mềm hơn. Không bao giờ người ta hái rau sắn từ cây trồng trên bãi, trên nương để lấy củ - bởi như vậy cây sắn sẽ ít củ và củ sẽ cho ít tinh bột.
Hái rau sắn tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi nếu chưa hái bao giờ thì rất khó để biết hái ngọn sắn nào ngon và hái đến đâu là vừa.
Nhìn vào ngọn rau sắn, người đầu bếp phải chọn những ngọn to, mập mạp và tùy vào độ cao của ngọn mà bấm ngắn hay dài. Vì nếu hái dài quá, ngọn sắn sẽ già và cứng.
Sau khi hái xong phải sơ chế qua rau sắn, giữ lại chừng 2, 3 cuống lá từ ngọn trở xuống, còn các lá sắn thấp hơn thì bấm lấy lá rồi bỏ cuống. Bởi những cuống lá già này dù có muối, có nấu đến đâu vẫn cứ cứng đơ đơ, không thể ăn nổi.
Nếu là canh chua nấu cá - kỳ lạ thay - cá hết hẳn mùi tanh dù chẳng nêm thêm một thứ gia vị gì, đồng thời nhừ ăn được cả xương. Tuy nhiên canh rau sắn có một “điểm yếu”, ấy nó là không biết tự “làm duyên” cho mình. Bởi dù nấu kiểu gì, cách gì, với chân giò hay tôm cá đủ loại, thì khi mang lên phục vụ, bát canh chua rau sắn trông vẫn không được đẹp mắt cho lắm. Hơn nữa là cái mùi ngai ngái, nồng nồng của nó.
Sau này lớn lên đi xa, chẳng người con Phú Thọ nào quên được món canh rau sắn chua mẹ nấu quê nhà.
Theo báo du lịch TPHCM
Sưu tầm: Ngô Diệp