Đã bao lần khăn gói về quê ăn tết Đoan Ngọ nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác hồi hộp, đợi chờ. Hồi hộp vì sẽ được gặp lại người thân trong gia đình, được thưởng thức từng chiếc bánh ú tro, đĩa xôi, chén cơm gạo lúa mới…, nhất là uống ngụm nước lá mồng 5.
|
Lá mồng 5 phơi khô
|
Người dân quê tôi thường nấu nước lá uống hằng ngày, tác dụng đầu tiên là giải nhiệt, tiêu thực… Cũng những loại lá đó nhưng hái đúng vào giờ Ngọ ngày 5-5 âm lịch được gọi là lá mồng 5.
Theo truyền tụng trong dân gian, loại lá nào nếu hái vào đúng giờ Ngọ ngày mồng 5-5 đều là lá thuốc, nhưng thực tế người quê tôi chỉ quen hái một số lá nhất định: lá vối, ổi, dủ dẻ, sim, bạc hà, ngãi cứu, cỏ xước, bồ công anh, ích mẫu, mã đề, lá dâu… Đặc biệt, không thể thiếu lá chè vối - thứ lá không mọc bụi mà chỉ một số nhà trồng, lá dài tựa lá xoài, bông và trái tròn nhỏ từng chùm, thơm mùi thuốc thường được bày bán ở chợ trước đó vài hôm.
Thuở còn ở quê, cứ đến giữa trưa, sau lễ cúng gia tiên là cả nhà tôi mang rựa và bao, rủ nhau vào rừng chặt lá. Cây và lá hái về loại bỏ những lá quá già hoặc quá non, bị vàng, sâu rầy vì lá quá già sẽ làm nước bầm đen trông không ngon, không thơm, còn lá non quá nước sẽ nhạt, không đượm.
Mẹ tôi rất cẩn thận bày riêng từng loại, lá cành trộn lẫn, băm nhỏ và phơi khô vài nắng. Lá mồng 5 sau khi phơi khô sẽ nấu ngay trong ngày, phần còn lại được cho vào bao, cất lên giàn bếp, lúc hữu sự mới lấy ra dùng. Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết mọi nhà trong thôn xem bao lá mồng 5 là tủ thuốc, vị lương y đắc dụng trong những cơn đau bụng, ngộ độc thức ăn, hạ nhiệt…
|
Thơm nồng nước lá mồng 5 |
Bây giờ người ta có thể đun nước trong những chiếc ấm nhôm nhưng mẹ bảo tốt nhất vẫn là đun trong ấm đất. Trước khi nấu phải rửa lá sạch, không vò nát. Cho nước lọc vào ấm, đun sôi mới thả lá vào, nhận cho ngập với mặt nước. Củi nấu nước tốt nhất là thứ củi nấu không làm phai mất vị lá như củi bạch đàn, củi tre... Lửa nấu phải đỏ đều. Mươi phút sau đã có được ấm nước vừa chát, vừa thơm, vừa nóng, vừa xanh.
Tết Đoan Ngọ năm nay tôi lại được ngồi bên bếp lửa hồng chăm chú xem mẹ nấu nước lá mồng 5. Nhìn bát nước đặc sóng sánh, có màu xanh nhạt, thoang thoảng mùi thơm mới biết không phải tự nhiên mà nước mồng 5 trở thành nỗi nhớ của người xa quê mỗi dịp tết Đoan Ngọ về.
Nguồn : Tuổi trẻ