Cách đây 45 năm, trong một khách sạn giữa thủ đô Paris hào hoa của Pháp, lịch sử rượu vang đã thay đổi mãi mãi với phán quyết Paris, công nhận sự chiến thắng của rượu vang California trước các loại vang Pháp hảo hạng nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ.
TỪ CHUYẾN DU LỊCH RƯỢU VANG CÓ MỘT KHÔNG HAI…
Đó là cả một hành trình dài trước khi đến được với phán quyết mang tính lịch sử của ngành rượu vang hiện đại. Vào khoảng đầu tháng 5/1976, thương gia đam mê rượu người Anh có tên Steven Spurrier cùng vợ đã có một chuyến du lịch rượu vang tới tận thành phố San Francisco thuộc bang California, sau khi được người cộng sự thân tín thông báo rằng, nơi đây có những loại rượu vang hảo hạng nhất và khuyến khích ông tổ chức một buổi nếm thử rượu vang.
Chuyến đi tới Mỹ của Spurrier được dẫn dắt bởi những người dân ở thung lũng Napa và đặc biệt là Joanne DePuy – một người phụ nữ sành sỏi về các nhà máy rượu ở địa phương. Trong suốt chuyến đi, ông Spurrier đã bày tỏ sự thích thú và đã bổ sung vào bộ sưu tập của mình rất nhiều loại rượu vang ngon từ các nhà máy nhỏ ở California.
Nói thêm về Spurrier để hiểu được vai trò quan trọng của ông trong sự kiện lịch sử này. Steven Spurrier (1941-2021) là một huyền thoại trong ngành rượu vang. Ông có sự cởi mở và niềm đam mê với rượu vang hơn tất thảy mọi người. Ông đánh giá chúng dựa trên chất lượng và giá trị bên trong hơn là danh tiếng của nhà sản xuất.
Vào đầu những năm 70, Spurrier sở hữu một cửa hàng rượu vang ở Paris và một trường học chuyên dạy về rượu mang tên L’Academie du Vin bên bờ sông Seine. Ông đã nghĩ đến việc tổ chức một buổi nếm thử rượu vang như một cách để quảng bá cho doanh nghiệp của mình.
ĐẾN PHÁN QUYẾT PARIS THỜI HIỆN ĐẠI
Với sự giúp đỡ của DePuy, Spurrier đã mang được rất nhiều loại rượu vang Mỹ đến với Paris. Buổi nếm rượu được diễn ra vào ngày 24/5/1976, sáu tháng sau khi ý tưởng về nó được bắt đầu.
Buổi nếm thử rượu này được biết đến với cái tên “Paris Wine Tasting of 1976”, được tổ chức tại khách sạn Intercontinental. Các “thí sinh” của cuộc tranh tài này thuộc hai phe: rượu Chardonnay và rượu đỏ của Pháp “so tài” với rượu của California – những chai rượu không được biết đến nhiều ở châu Âu. Chín giám khảo, tất cả đều là người Pháp, trong đó bao gồm những cái tên bảo chứng như Odette Khan – biên tập viên của tạp chí rượu uy tín, Aubert de Villaine – giám đốc của một khu đất sản xuất rượu vang ngon nhất thế giới.
Steven Spurrier, với tư cách là người tổ chức sự kiện, không hề muốn làm bẽ mặt các vị giám khảo người Pháp thân thiết của mình nên đã nảy ra ý tưởng che nhãn các chai rượu và để cho các giám khảo có sự đánh giá công bằng nhất. Kết quả chung cuộc như sau:
– Về rượu trắng: Chai Chardonnay Chateau Montelena 1973 của Mỹ thắng, ba loại rượu vang khác của Mỹ cũng nằm trong top 5.
– Về rượu đỏ: Chai Stag’s Leap Wine Cellars 1973 của Mỹ qua mặt chai Chateau Mouton-Rothschild 1970 để giành giải nhất.
Đáng nói ở thời điểm đó, một chai Chateau Montelena cũng chỉ được bán với giá khoảng 6.50 đô la, thấp hơn rất nhiều so với một chai vang Pháp. Thậm chí hãng Stag’s Leap cũng chỉ mới được thành lập 6 năm trước đó trong khi việc sản xuất chai Chateau Mouton-Rothschild đã diễn ra suốt 3 thế kỷ. Chiến thắng này cũng biến vùng thung lũng Napa (nơi 2 chai rượu vang Mỹ được sản xuất) trở thành vùng rượu vang hàng đầu thế giới sau này.
SỰ KIỆN CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI
Ít nhiều người đã biết đến câu chuyện Phán quyết Paris về vẻ đẹp của 3 nữ thần Olympia trong thần thoại Hy Lạp đã dẫn đến sự sụp đổ của thành Troy. Phán quyết Paris lần thứ 2 trong lịch sử nhân loại này, dù không gây đến sự đổ máu nào nhưng đã khiến cho giới sành rượu Pháp, nhất là người Bordeaux nổi giận. Họ đã đưa ra nhiều lý do để Spurrier tái tổ chức sự kiện vào năm 1978, kết quả là 3 chai vang trắng và 3 chai vang đỏ của California vẫn chiếm ngôi đầu bảng.
Đến tận 10 năm sau Phán quyết Paris, những người Pháp ngoan cố vẫn đòi tổ chức lại cuộc thi với lập luận rằng vang California không thể bảo quản trong thời gian dài. Ẵm trọn giải quán quân lần này, một lần nữa lại là Mỹ với chai Monte Belllo 1971 của Ridge Vineyards.
Phán quyết Paris 1976 đã thay đổi cái nhìn của thế giới về rượu vang California nói riêng và rượu vang Mỹ nói chung. Lịch sử ngày rượu vang đã thay đổi mãi mãi kể từ khoảnh khắc chấn động đó. Năm 2008, bộ phim Bottle Shock với vai chính do tài tử Alan Rickman thủ vai Steven Spurrier đã tái hiện lại câu chuyện lịch sử này.
Ảnh: Internet
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp