Người Hà Nội thích ăn phở ở quán để hưởng trọn vị ngon, độ nóng và bầu không khí bởi phở mang về lâu nay chỉ dành cho người ốm, già cả...
Một ngày bình thường, người Hà Nội tiêu thụ có lẽ đến cả triệu bát phở và chắc người Hà Nội ăn phở nhiều nhất thế giới. Nguyên chuyện quyết định sáng ăn phở ở đâu cũng đã đủ đau đầu, chưa nói đến ăn phở gì, quán nào, giờ nào trong ngày thì nên ăn ở chỗ nào...
Người Hà Nội ăn phở như người Việt cổ ăn trầu. Không còn "miếng trầu là đầu câu chuyện" nữa mà là "bát phở mở tấm lòng", gì thì gì, cứ làm bát phở đã rồi nói chuyện sau. Cũng không còn phải bí chủ đề thì nói chuyện thời tiết nữa, chỉ cần nói về phở thì câu chuyện sẽ nổ như ngô rang, miên man bất tỉnh vẫn chưa hết chuyện để nói.
Thế nên, mở mắt ra là người Hà Nội nghĩ đến ăn phở, xế trưa đói bụng cũng nghĩ đến bát phở, chiều tối cũng có thể chén phở thay cơm, nửa đêm khuya khoắt vẫn lọ mọ đi ăn phở. Ăn phở không chỉ vì để no bụng có năng lượng làm việc, mà ăn phở vì thích, vì thời tiết đẹp quá, muốn ngồi ăn phở vỉa hè hoặc mưa to gió lớn khiến bụng dạ thèm bát phở nóng đến nát lòng.
Ăn phở ngoài hàng, dù quán xá xập xệ vẫn có cái khoái riêng.
Thế mà cái xứ cuồng phở đó lại gặp cảnh nhịn phở vì Covid-19. Căn bệnh toàn cầu đã làm đảo lộn toàn bộ sinh hoạt trong xã hội. Một năm trước, các quán phở đã phải đóng cửa cả tháng trời để chống dịch. Còn năm nay, quán phở vẫn được mở cửa nhưng không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán mang về.
Cái điều kiện này đã tạo ra một hoành cảnh éo le, khiến bát phở thân quen đã trở thành bát phở "mắc dịch". Người Hà Nội xưa nay không dùng từ "mắc dịch" bởi đó là một phương ngữ của người miền Nam. Mắc dịch là gì, đại loại là từ nói về những thứ không tốt, mang tính tiêu cực. Người Sài Gòn hay nói: "thằng cha mắc dịch, lũ mắc dịch"... là như thế.
Song, phải đến bây giờ, cái từ mắc dịch mới đắt giá, đúng theo nghĩa đen: một thứ mà chúng ta mắc phải trong thời buổi dịch bệnh. Bát phở mắc dịch là bát phở mắc phải hoàn cảnh dịch bệnh, mắc phải thời buổi phòng chống dịch bệnh. Thế nên, bát phở không còn bình thường nữa, khiến việc ăn phở bỗng thành một thứ giống như hôn nhau qua khẩu trang y tế vậy.
Vì sao lại thế? Thì cứ nhìn cảnh cộng đồng mạng than trời vì việc không được ăn phở dù các quán phở vẫn được mở bán là biết. Phở được bán là một chuyện, nhưng ngồi ăn phở ở đâu lại là vấn đề. Rõ ràng, phở ăn ngon lành nhất, trọn vẹn ý nghĩa nhất cứ là tại quán phở, cho dù ở đó quán xá, bàn ghế, dụng cụ ăn uống có thể nhếch nhác, xập xệ.
Người ta có thể nấu phở tại nhà một cách dễ dàng bởi mọi thứ hỗ trợ việc nấu phở rất sẵn và thuận tiện, chỉ cần bấm điện thoại là có đủ trong "phút mốt". Thế nhưng, nấu phở ở nhà cũng như nấu bún thang, thi thoảng làm thì được chứ ngày nào cũng nấu thì chịu vì dù sao vẫn rất nhiêu khê. Khó có thể bỏ vài tiếng để nấu một bát phở ăn trong vài phút được.
Cho nên người ta thích ăn phở ở quán xá để hưởng trọn vị ngon, độ nóng và bầu không khí phở mà chỉ ở đây mới có. Phở mang về hay phở "ship tận cửa" dù gì cũng mất đi ít nhiều những giá trị "phi dinh dưỡng" kia. Ăn phở ở nhà không được đụng chạm người với người, không được hỏi xin tí giấm tỏi, không được nghe tiếng xì xụp xung quanh, không được ngắm người khác ăn phở trong lúc mình nuốt nước bọt chờ. Vả lại, phở mang về nhà chỉ dành cho người ốm, già cả...
Thế nên, người Hà Nội nhìn bát phở mắc dịch với một ánh nhìn rất... mắc dịch. Không ăn thì thèm, ăn thì lách cách cặp lồng đi mua hoặc phải nhận từng hộp nhựa đựng bánh phở, thịt, rau cùng túi nước, túi tương ớt, lát chanh... rồi lại phải mất công xếp bát, đun nước dùng cho nóng rồi mới được ăn. Mà đâu phải ai cũng là hàng xóm của hàng phở để chỉ cần bước ra bước vào đã có bát phở nghiêm chỉnh.
Song để chiều ông thần khẩu đang vật vã vì đã vài hôm chưa được ăn phở nên đành phải ăn phở theo những cách "mắc dịch" chưa từng có. Có người liều lĩnh đi ăn phở chui, nhớn nhác nhìn trước ngó sau rồi lẻn vào quán ngồi ăn như hoạt động tình báo. Có người đánh ôtô đến quán phở, bê nguyên khay đựng phở đầy đủ chanh, ớt, giấm tỏi, quẩy, trứng chần vào trong xe, đóng cửa xe lại và chồng một bát, vợ một bát, xì xụp. Có người còn đẩy lùi ghế để lấy chỗ đặt khay phở trong xe. Với những người không có xe ôtô, cũng không sống sát nách hàng phở thì chịu khó ăn "phở bưng". Trả tiền nhận phở xong bèn bưng bát đi xa khỏi hàng phở vài mét, kiếm cái bậc thềm nào có bệ đá cao cao thì đặt bát phở xuống và xì xụp. Còn có dân hay "đi cam" (camping - cắm trại) nghiện phở, mua phở về rồi bày đồ camp ra nấu, tưởng tượng đang ngồi ở nơi đẹp đẽ nào đó, thưởng thức món khoái khẩu.
Những kiểu ăn phở kiểu này thường xuất hiện vào thời điểm rất sớm trong ngày, khi hàng phở vừa mở, người đi lại vẫn chưa đông hoặc ở khu vực vắng vẻ. Nhưng biết làm sao được, khi mà người ta quá thèm phở mất rồi, không thể ăn những thứ "take away" như bánh mỳ, xôi... mãi được. Đấy thực sự là một bát phở "mắc dịch".
Bát phở có lẽ đã vượt qua phạm trù một món ăn đơn thuần để trở thành một thứ gì đó khiến con người ta cồn cào nhớ nhung đến phát cuồng. Cảm xúc đó có lẽ chỉ thấy khi yêu. Người Hà Nội chỉ mong đến ngày "bình yên" để được đi ăn phở một cách bình thường tùy thích mà thôi!
Anmustang
Ảnh: Vũ Minh Quân