Phở vịt có ở một số tỉnh biên giới phía Bắc. Thứ ẩm thực có cái tên hơi ngồ ngộ này còn có nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Nhưng đã được đến, đi, tháp tùng nhiều đoàn khách, được nếm thứ đặc sản này ở các tỉnh trên, tôi thấy người ta vẫn đánh giá cao thứ phở này ở Bắc Kạn, đặc biệt là tại Thị trấn Phủ Thông. "Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng”, phải chăng nỗi nhớ trong câu thơ của Tố Hữu là nỗi nhớ món phở vịt quay ở đây?!
Nhiều cụ cao niên còn giữ nghề ở khu vực này đã cho biết, ngày xưa, trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, các cụ đã phụ giúp cha mẹ làm thứ phở này để "ấm lòng” các chiến sĩ bộ đội khi lên mở trận, diệt Pháp tại đèo Bông Lau, Đường số 4, Đông Khê, Thất Khê.
Muốn có tô phở vịt quay, 2 thứ đầu tiên không thể không có, ấy là bánh phở tráng to bản theo kiểu phổ thông, bằng gạo của địa phương và vịt quay. Cơ chế thị trường mở ra, có sự phân công hóa về chuyên môn chế biến thực phẩm rồi mới tới tiêu thụ. Nhưng đã bao năm rồi, các nhà bán phở vịt quay truyền thống ở Phủ Thông đều phải tự mình đảm trách hết tất cả những vật phẩm cần thiết cho bát phở này. Từ chọn gạo, ngâm, xay và tráng đến lựa chọn vịt, vặt lông và quay đều do một gia đình làm hết.
Để có tô phở vịt nức mùi và có vị riêng của đất quê mình, người quê mình thì thịt vịt là quan trọng nhất. Vịt "lội suối” được lựa chọn, không béo, không gầy, mua về không giam và nhốt lâu đem ra cắt tiết. Tiết phải cắt khéo, sao cho chảy nhiều, không ứ đọng lại trong thân con vịt, như vậy thịt mới trắng hồng, không bị đỏ hay tía. Vịt quay ở Bắc Kạn, Phủ Thông, ngoài mác mật và một số gia vị như ở nơi khác còn có thêm hạt dổi. Vì vậy mà nó có "vị đượm” mà những thứ vịt quay nơi khác không có được.
Ngoài vịt, bánh phở ở đây cũng có cái đặc biệt. Bánh phở cũng được các gia đình bán hàng tự tráng lấy. Ngoài gạo địa phương, bánh phở ở đây vẫn được tráng thủ công, bằng nồi quân dụng, hơi dầy hơn so với các loại bánh phở ở nơi khác.
Không cắt bánh trước như những nơi khác, người bán phở nơi đây vẫn để bánh cả khổ. Khách vào, tùy số lượng người và số bánh phở cần ăn người ta mới cho vào máy để cắt.
Sau khi có bánh, thịt vịt được người ta chặt to bản, xếp lên trên sau đó mới chan nước dùng. Nước dùng ở đây chủ yếu được nấu và có vị ngọt từ những bộ phận phụ của con vịt như: Lòng, mề, chân và cánh. Vì vậy, để có tô phở vịt quay lưu luyến và tạo ra nỗi nhớ cho khách hàng, phở vịt quay ở đây hoàn toàn được làm từ vịt, không pha trộn.
Nếu có lần hành trình theo Quốc lộ 3, quý vị nên dành thời gian dừng chân ở Phủ Thông và thưởng thức món phở vịt quay ở xứ này. Trong mây mù, khói sương bảng lảng, quý vị sẽ được tận hưởng những hương vị rất riêng của món ăn nổi tiếng ở xứ Bắc Kạn.
Nguồn : ĐĐK