Sa Pa không chỉ là nơi có những cảnh đẹp hút hồn, nơi có dãy núi Hoàng Liên Sơn trùng điệp uy nghi, có đỉnh Fansipan hùng vĩ, ẩm thực nơi đây cũng rất phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc, khiến du khách sẽ phải nhớ và ấn tượng mãi.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mong, có nguồn gốc từ Vân Nam Trung Quốc, sau đó được du nhập sang các dân tộc Việt Nam như Kinh, Dao, Tày. Nguyên liệu để nấu thắng cố truyền thống là thịt ngựa về sau, người dân đã có những chế biến thêm các loại như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Người dân Sapa truyền nhau rằng, món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người H’Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú.
Thắng cố – món lẩu ngựa đặc sản không thể không thử khi tới Sa Pa.
Để thắng cố mang vị ngon đúng chất, chuẩn vị Sa Pa nhất, người dân nơi đây sẽ mổ ngựa hoặc trâu, bò, heo, dê làm thịt sạch sẽ, sau đó lấy tất cả nội tạng ăn được thái ra từng miếng nhỏ. Sau đó, sử dụng bếp lửa than, than phải “rực hồng”, dùng chảo lớn (chảo phải cũ không được dùng chảo mới), cho tất cả mọi thứ như thịt thủ, thịt mông, tim, gan, lòng…vào chảo cùng lúc và xào lăn. Khi xào, phải dùng chính mỡ có trong thịt, không thêm mỡ ở ngoài, nếu nấu thịt ngựa thì dùng mỡ ngựa, nấu lợn thì phải dùng chính mỡ của con lợn đó để xào.
Khi miếng thịt se se cạnh, người nấu sẽ đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi hàng tiếng đồng hồ cho đến khi thịt nhừ thì thôi. Trong thời gian đun người nấu phải biết thời điểm nào cho các gia vị gì là phù hợp. Thắng cố là món ăn kén người thưởng thức, tuy nhiên đặc sản Tây Bắc này lại gây nghiện đối với khách du lịch cảm nhận được vị ngon độc đáo trong từng thớ thịt, nước dùng đến rau rừng mát lạnh.
Cá hồi
Cá hồi sống trong môi trường nước đọng, nhiệt độ thấp, thường tự chết sau khi ngược dòng để đẻ trứng, nên sự có mặt của loài cá này ở Sa Pa khiến du khách gần xa không khỏi ngạc nhiên.
Loại cá được nuôi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sasimi, chiên xù, hấp, nấu cà ri…nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng…
Cá hồi Sa Pa vô cùng nổi tiếng với du khách.
Những ngày tiết trời se lạnh, một nồi lẩu cá hồi nóng hổi đặt giữa bàn cùng rau nấm tươi, đĩa cá tươi rói và lọ sa tế đỏ là đủ để khiến bạn siêu lòng. Cá hồi ăn kèm với các loại rau xứ lạnh, nhâm nhi chút rượu ngô nồng ấm của Bắc Hà hoặc Mường Khương sẽ mang lại giây phút chẳng thể nào quên tại xứ sở sương mù này.
Lẩu cá hồi ăn với các loại rau rừng ở Sa Pa.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách hay còn gọi là lợn Mường Sapa (một số nơi gọi là lợn lửng, lợn còi, lợn ri) là giống lợn chỉ có ở vùng cao. Chúng thuộc giống lợn nhỏ, chỉ chừng khoảng 10-20 kg, được người dân miền núi nuôi theo kiểu thả rông. Đến Sa Pa, rất dễ bắt gặp hình ảnh vô cùng đáng yêu đó là những chú lợn nhỏ xinh được người dân tộc vùng cao cắp vào nách đem bán trong các phiên chợ vùng cao. Cái tên lợn cắp nách cũng ra đời từ đó.
Người dân Sa Pa cùng “lợn cắp nách”.
Lợn cắp nách được chế biến khá dân dã, những chú lợn sau khi bị bắt sẽ được cạo lông sạch, mổ theo kiểu mổ moi. Muốn cho da lợn sạch cần dùng chanh để tẩy hết lớp đất bụi bám ở các chân lông rồi mới rửa sạch, để khô, xoa nước hàng và thui bằng rơm hoặc bã mía. Sau khi đã sơ chế sạch sẽ, lợn sẽ được đem đi thui.
Khi thui lợn, người dân sẽ thui lửa đến khi bì lợn ngả màu vàng bắt mắt thì đem chà sạch một lần nữa bằng chanh, sau đó mới lọc thịt để chế biến thành các món. Lợn cắp nách có thể hấp, nướng, nấu giả cầy, xương đã lọc rồi thì để ninh làm món canh, món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn đem hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn, hạt dổi, ớt xanh. Vị chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh kết hợp với món ba chỉ lợn cắp nách thì không gì sánh bằng. Tới Sa Pa, du khách sẽ thích mê món ngon đậm đà này.
Trâu gác bếp
Ban đầu, thịt trâu gác bếp được tạo nên bởi người Thái đen. Họ tin rằng thịt trâu phơi khô thì có thể để lâu được. Món ăn được người dân tộc dùng làm thức ăn dự trữ trong những ngày đi rừng hay trong mùa mưa kéo dài.
Những miếng thịt trâu được người dân nơi đây đem cất lên gác bếp. Khói của bếp củi cũng như hơi nóng sẽ bảo quản thịt không bị hỏng, từng miếng thịt được hút và thẩm thấu khói bếp khi ăn sẽ mang lại vị ngon đặc biệt. Thịt trâu gác bếp được bày bán khá nhiều tại Sa Pa, nhưng nếu muốn mua loại thịt trâu chất lượng của người H’Mông bạn nên tìm mua trong bản dân tộc.
Đây cũng là món quà tặng được nhiều du khách mua về cho bạn bè và người thân mỗi khi tới du lịch Sa Pa.
Phong phú ẩm thực Sa Pa - Wanderlust Tips
Thịt trâu gác bếp – món ăn được yêu thích mua làm quà khi du lịch Sa Pa về.
Gà đen
Gà đen hay còn gọi là gà ác có thân hình rất nhỏ, mỗi con chỉ tầm 1,2kg và y như tên gọi nó mang một màu da đen xì. Gà đen ở Sa Pa, Lào Cai không chỉ được biết đến là một món ăn khoái khẩu mà còn được biết đến với nhiều công dụng trong lĩnh vực y học.
Là loại gà đặc biệt của người Mông có da, thịt và xương màu đen, thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn mang lại cho người thưởng thức cảm giác rất thú vị. Các nghiên cứu đã chỉ ra, gà đen có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh về tim mạch.
Gà đen – món đặc sản Sa Pa giàu dinh dưỡng
Món nổi tiếng nhất được chế biến từ gà đen của Sa Pa là gà nướng mật ong. Món gà nướng thơm nức mũi ăn cùng lá bạc hà chấm muối tiêu chanh, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Đồ nướng
Đến với Sa Pa chắc chắn bạn sẽ không thể quên được từng gian hàng quán đồ nướng nghi ngút khói giữa tiết trời lành lạnh đúng không? Không phải là món ăn truyền thống, đồ nướng ở Sa Pa được các hàng quán mở ra phục vụ chủ yếu do nhu cầu của khách du lịch.
Đồ nướng ở Sa Pa là những thịt lợn xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút, bò cuộn cải mèo, bò cuộn nấm, trứng nướng… được tẩm ướp đậm đà hương vị vùng núi rừng Tây Bắc. Xuống phố đêm đông, cùng người thân và bạn bè quây quần bên quán nướng với ánh đèn mờ ảo, ngồi hơ tay bên bếp hồng, thưởng thức những món nướng ngon tuyệt đúng là một trải nghiệm chắc chắn ai cũng phải thử khi tới Sa Pa.
Xôi bảy màu
Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bảy màu của xôi gồm hồng, đỏ tươi, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối và vàng đều được làm từ nhiều loại lá rừng tự nhiên như cây cẩm hoa, cây hoa vàng, cây nghệ,…nên xôi mang mùi vị đặc trưng của núi rừng nơi đây Người ta chọn loại nếp hạt to, dài để nấu xôi.
Trước khi nấu, gạo nếp được ngâm khoảng 12 tiếng đồng hồ, sau đó lại ngâm thêm 3 tiếng nữa trong các màu thiên nhiên. Khi nấu, gạo được xếp thành từng góc trong nồi theo từng màu và đồ xôi khoảng 2 tiếng.
Đồng bào ở đây quan niệm rằng, ăn xôi vào những dịp lễ tết sẽ mang lại nhiều may mắn. Chính vì vậy mà xôi bảy màu luôn nắm giữ vai trò quan trọng trong mâm cỗ cũng như đời sống thường ngày của người dân tộc nơi đây.
Còn rất rất nhiều những món ăn đặc sắc, thú vị khác mà bạn có thể thưởng thức và khám phá trong chuyến du lịch Sa Pa. Mỗi món ăn lại mang một nét riêng, nhưng tất cả chúng đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của vùng núi rừng Tây Bắc này.
Theo Wanderlusttip
Sưu tầm: Ngô Diệp