Dân trí Là món ăn được nhiều người Việt yêu thích, có giá thành rẻ, bún đậu mắm tôm nay được "lên đời" bằng hình thức thanh toán… trả góp
Mới đây, nhiều người không khỏi bất ngờ khi lần đầu được nghe đến hình thức... ăn trả góp. Chuyện tưởng lạ nhưng có thật, xuất phát từ một quán ăn vỉa hè ở Hà Nội được nhiều người chia sẻ nhiệt tình trên mạng xã hội vài ngày qua.
Quán bún đậu trả góp thu hút nhiều sự chú ý.
Tuy chỉ là quán ăn khá bình thường, nằm ngay ngã tư nhưng quán vẫn thu hút sự quan tâm của những người xung quanh bởi tấm biển hiệu nổi bật ghi dòng chữ "Bún đậu trả góp".
Trên mạng xã hội, những hình ảnh về quán bún đậu mắm tôm có hình thức thanh toán độc đáo này nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi.
Nhiều người tò mò, bày tỏ thắc mắc rằng giá một suất đắt thế nào mà phải trả góp hay liệu đi ăn có nên cầm theo sổ hộ nghèo hoặc chứng minh thư không? Một số ý kiến khác thì thích thú, hào hứng vì phát hiện được "phao cứu sinh" cho những ngày "rỗng túi".
Anh Đạt - chủ quán bún đậu trả góp trực tiếp đứng bếp làm đồ phục vụ khách.
11h trưa, có mặt ở quán "bún đậu trả góp", anh Đạt (SN 1990) - chủ quán bún tất bật làm đồ phục vụ khách. Vừa thoăn thoắt thả những miếng đậu hũ vào chảo dầu nóng, vừa cẩn thận bày biện bún, rau thơm,... lên mẹt tre lót lá chuối tươi, anh Đạt bảo chỉ dùng điện thoại đen trắng nên không biết quán của mình "nổi tiếng" trên mạng xã hội.
Hoàn thành xong loạt suất bún đậu mắm tôm nhanh chóng để khách không phải chờ lâu, anh tiếp tục cắt tàu lá chuối cho vuông vắn, đặt lên mẹt, bày biện sẵn phục vụ khách tới sau.
Anh Đạt quê Quốc Oai, xuống Hà Nội học nghề rồi chung vốn với bạn bè mở quán ăn. Trước đây, 9x này từng mở quán bún đậu ở nhiều địa điểm khác nhau, cũng theo hình thức trả góp.
"Tôi treo biển trả góp, nhiều người tò mò đến ăn nhưng họ cũng thanh toán đầy đủ chứ không ai xin nợ hay thiếu tiền. Mục đích treo biển như vậy vì tôi muốn phục vụ cả những người lao động nghèo.
Người ăn xin, bán hàng rong hay lao công,... bất kể ai khó khăn đến đây, chúng tôi đều sẵn sàng tặng suất bún đậu miễn phí. ", anh Đạt nói.
Quán bún đậu trả góp từng phục vụ nhiều lượt khách nhưng chưa có ai thanh toán theo hình thức này.
Nhiều năm trước từ quê xuống Hà Nội tìm việc làm với điều kiện kinh tế thiếu thốn, anh Đạt may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh. Khi trưởng thành hơn, có việc làm và ổn định, anh luôn tâm niệm phải đối xử tốt với mọi người, nhất là người nghèo khó. Đây cũng là lý do anh mở quán bún đậu theo hình thức thanh toán đặc biệt này.
Quán mới mở nhưng khá đông khách. Mỗi ngày anh Đạt bán khoảng 50-70 suất, từ 11h trưa đến 2 giờ chiều. Khách đến ăn được tặng kèm trà đá và kẹo. Anh còn làm suất đầy đặn đặc biệt, cho thêm đồ nhiều hơn bình thường để phục vụ người lao động nghèo tới quán vì "làm việc tay chân vất vả, muốn có sức phải ăn no".
Mỗi suất bún giá 35.000 đồng, gồm nhiều loại nhân như đậu, lòng rán, thịt chân giò, chả cốm, dồi sụn, chả nem.
"Ai cũng bảo tôi miễn phí nhiều thế thì tiền đâu bù số vốn bỏ ra. Tôi chỉ cười vì tiền bao nhiêu là đủ, cũng không thể cho ai tiền nên tôi mời họ ăn một bữa cho no bụng.
Quán mở ở địa chỉ mới thế mà vẫn nhiều khách quen tới ủng hộ. Tôi cũng không sợ người cơ hội tới lợi dụng để được bữa ăn không mất tiền. Chỉ cần giúp được những người khó khăn là tôi thấy hạnh phúc lắm", anh Đạt tâm sự.
Thảo Trinh