Nhễ nhại mồ hôi xếp hàng khoảng 15 phút, Phương Huyền ăn được bát mì Michelin rẻ nhất Singapore, nhưng cô hơi thất vọng.
Nguyễn Thị Phương Huyền, sống ở Hải Phòng, đến Singapore vào 19/5. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của cô sau Covid-19 và là lần thứ hai cô trở lại Singapore sau 7 năm. Dưới đây là chia sẻ về trải nghiệm ăn mì ở quán sao Michelin rẻ nhất Singapore.
Đi du lịch với tôi phải có đủ các tiêu chí: chỗ ở tốt - ăn ngon - giá rẻ. Nếu thiếu một trong ba, chuyến đi không thể trọn vẹn. Ở Singapore có hai cửa hàng đáp ứng được tiêu chí của tôi là cơm gà Hawker Chan và mì thịt lợn Tai Hwa. Đây là hai địa điểm luôn tấp nập khách du lịch giống tôi, do giá rẻ và uy tín từ sao Michelin là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, cơm gà Hawker Chan đã bị mất sao vào năm ngoái nên mì Tai Hwa nghiễm nhiên trở thành cửa hàng Michelin giá rẻ nhất Singapore.
Hàng người xếp hàng đợi ăn mì có sao Michelin.
Tiệm mì nằm trong một khu phức hợp ẩm thực, bí bức, không có điều hòa nên hơi nóng. Khi tôi đến là 10h sáng, dòng người xếp hàng đã dài từ quán đến tận cửa. Mọi người có vẻ khá nhẫn nại và không ai bỏ cuộc giữa chừng. Thi thoảng lại có người giơ điện thoại lên chụp ảnh, tôi đoán là khách du lịch giống mình. Không chịu nổi nóng, tôi phải lau mồ hôi liên tục, song vẫn háo hức. Đây là lần đầu tiên tôi ăn ở một nhà hàng có sao Michelin.
Khi xếp hàng, bạn sẽ được gọi ra để đặt đồ ăn, sau đó trở về hàng để đứng đợi tiếp. Không khí ngày càng ngột ngạt vì hơi nóng từ các nhà hàng tỏa ra. Người bạn của tôi đứng cạnh mà người ướt như tắm, luôn miệng than: "Ăn thôi mà khổ quá!"
Cần nhiều công đoạn để làm ra thành phẩm là một bát mì thịt lợn nức tiếng.
Cuối cùng cũng đến lượt, chúng tôi gọi một mì trộn và một mì nước. Đứng từ ngoài nhìn vào quầy bếp, tôi thấy để làm ra một bát mì nước có vẻ cần qua nhiều công đoạn. Đầu bếp chần và để ráo mì liên tục khoảng 3 lần, cho đủ thứ gia vị. Chuẩn bị một bát mì khá lâu, có thể đây là lý do khiến hàng xếp dài mà di chuyển thì chậm chạp.
Bát mì trang trí đẹp, với các phần nhân được để riêng với nhau, bao gồm mọc thịt, gan, cá rán, thịt lợn, thịt lợn băm, há cảo. Tôi nhìn xung quanh để bắt chước cách ăn. Người Singapore có vẻ ăn cay, bỏ khoảng 5-6 lát ớt tươi vào bát rồi trộn lên.
Nếu so sánh hương vị với món Việt Nam tôi từng ăn, tôi sẽ nhớ đến mì Quảng và hủ tiếu gõ. Sợi mì dùng trong món này giống là sợi trắng, to bản và dẹt, giống bánh đa. Nước dùng ngọt dịu, tuy nhiên với tôi thế là "hơi thiếu" khi đã quen cho thêm gia vị như giấm, chanh hoặc tương ớt theo cách ăn của người Việt. Phần nhân đầy đặn, ấn tượng nhất là gan ngậy béo và cá rán. Cá rán ở đây thái nhỏ như thái hạt lựu, ăn giòn rụm như snack, thơm và không tanh. Thịt lợn mềm, chần vừa vặn, không bị dai. Tôi có thử ăn thêm cả mì xào, món ăn này có lẽ hợp với ngày hè hơn. Sốt mì xào cay nồng, ăn đậm vị. Tuy nhiên, cả món trộn và nước ăn được khoảng hai phần ba bát là bắt đầu thấy ngấy.
Mì trộn (trái) và mì nước (phải).
Sau khi ăn, tôi vừa vui lại vừa có chút thất vọng. Tôi nghĩ một món ăn có sao Michelin phải đáng nhớ hơn. Món mì dù ngon nhưng có hương vị trung bình, dễ quên, có thể do khẩu vị mỗi người mỗi khác. Dù sao tôi cũng vui khi lần đầu được ăn ở một quán có sao Michelin, một trải nghiệm du lịch đúng là phải đi nước ngoài mới có được. Câu hỏi được tôi đặt ra: "Tại sao Việt Nam không có quán ăn đường phố nào có sao Michelin, trong khi hương vị ngon và đáng nhớ?".
Có 3 mức giá ở Tai Hwa, dành cho suất nhỏ, vừa và lớn, lần lượt là 6-8-10 SGD (khoảng 100.000 - 170.000 đồng). Cửa hàng mở cửa từ 9h30 đến 20h30 hằng ngày. Để tránh xếp hàng đông, bạn có thể đi lệch giờ sinh hoạt của người Singapore. Sáng nên đi sớm khi quán mới mở cửa, hoặc ăn vào đầu giờ chiều. Khi xếp hàng để tránh nóng, bạn nên mang nước lọc mát hoặc quạt mini. Chủ quán nói được tiếng Anh nhưng hơi khó nghe, bạn có thể dùng thêm cả tiếng Trung để giao tiếp.
Phương Huyền thưởng thức mì Michelin sau khi xếp hàng 15 phút.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp