Dân trí - Khám phá ẩm thực miền Tây Nam bộ, rất ít người bỏ qua đặc sản năn bộp. Xưa kia, đây là món ăn được các gia đình nghèo dùng trong những ngày đói. Nhưng ngày nay, loại rau này được ví là đặc sản “lộc trời” của tỉnh Bạc Liêu.
Không ai rõ năn bộp được sử dụng làm thức ăn từ khi nào, nhưng đã là người dân miền Tây Nam Bộ thì ai cũng biết, năn bộp xưa kia là món ăn qua bữa cho đỡ đói lòng của người dân nghèo. Hàng ngày, trẻ chăn trâu vẫn thường “nhâm nhi” món khoái khẩu này và lấy đó làm thú vui.
Năn bộp được coi là đặc sản hấp dẫn nhất nhì Bạc Liêu. (Ảnh: amthucsinhvien)
Về sau, khi năn bộp được phổ biến rộng rãi, giới sành ăn đã “nâng cấp” nó trở thành món rau đặc sản. Người dân ở Sóc Trăng và Bạc Liêu coi năn bộp như một thứ đặc sản trời cho. Tuy là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng hôm nào có nó, bữa cơm sẽ tăng thêm phần đậm đà, thú vị.
Cây năn bộp mọc ở nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau… song nơi có nhiều nhất có lẽ là vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Năn có hai loại: năn kim và năn bộp. Năn kim cọng nhỏ, đầu nhọn như chông, màu xanh đậm, mọc ở vùng nước cạn nhiễm phèn vàng. Còn năn bộp cọng suôn, tròn to cỡ chiếc đũa bếp, màu nâu non, mọc vùng ruộng sâu nhiễm phèn bạc. Gọi là năn bộp vì thân rỗng, khi vỗ vào sẽ phát ra tiếng “bộp” rất vui tai.
Hằng năm sau mùa khô hạn, những cơn mưa kéo đến khiến nước ngoài đồng dâng cao là lúc cỏ năn bắt đầu mọc bạt ngàn trên đồng. Các chủ ruộng thuê người nhổ năn rồi chèo ghe ra chợ bán hoặc bán cả đám cho thương lái. Từ đó năn được phân phối đi khắp chợ huyện hay các tỉnh lân cận.
Năn bộp mọc nhiều ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. (Ảnh: vanhoamientay)
Cây năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để làm món ăn. Đọt năn mọc ở gần gốc, có màu vàng nâu xỉn vì nhiễm phèn nhưng khi bóc lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp. Phần chồi non thường được sếu đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.
Người miệt vườn khéo léo có thể chế biến những món ăn dân dã nhưng ngon đến lạ thường từ ba bộ phận kể trên. Đặc sắc và đúng điệu nhất phải kể đến rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng.
Đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ có thể chế biến nhiều món ngon. (Ảnh: vanhoamientay)
Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn. Nhưng đặc sản nức tiếng xứ Bạc Liêu, nhất thiết phải kể đến năn xào tép. Trước hết chọn một mớ đọt năn thật tươi ngon, tách nhẹ phần ngoài, giữ lại cọng non và phần ngọn, cắt khúc và rửa sạch. Tép có thể là tép bạc, tép trấu hoặc tép đất, làm sạch, ướp với tiêu, hành, tỏi và bột nêm, nước mắm cho thấm đều.
Cho dầu ăn hoặc mỡ vào chảo nóng và phi tỏi trước khi xào. Khi tép vừa chín vàng mới cho đọt năn vào đảo cho thật đều, nêm nếm, rắc thêm tiêu. Chỉ vậy là đã có được một đĩa năn dậy mùi, chỉ cần nhìn thôi đã thấy ứa nước miếng.
Đọt năn có thể chế biến thành món xào thơm thơm, giòn giòn, mát dạ. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, chồi năn cũng thường được dùng để xào thịt trâu, nghêu, hến, thịt chuột đồng… Để thưởng thức món ăn này, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho chồi năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt.
Còn củ năn bộp, đào lên đem rửa sạch để ăn hoặc ủ đến khi mọc mầm để lấy muối dưa chua – một món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng ưa thích. Dưa năn bộp có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được.
Năn bộp có tác dụng tốt với sức khỏe. (Ảnh: tintucmientay)
Theo dân gian, năn bộp còn chữa được chứng ban đỏ ở trẻ nhỏ. Đặc biệt người vừa hết bệnh ăn năn bộp sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Mùa mưa đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản vật ở miền Tây Nam Bộ. Món ăn nào cũng mang nặng tình người, dân dã và quyến rũ đến lạ. Chắc chắn, bất cứ ai khi đến đây đều mong muốn được một lần thưởng thức những món ngon từ cây năn bộp đặc biệt này.
Hoàng Ngọc