Món sashimi gồm nguyên liệu từ Việt Nam và Nhật Bản như tôm hùm bông Nha Trang, bụng cá ngừ vây xanh đại dương, bào ngư...
"Hương vị ngọt béo, tan trong miệng như miếng bơ" là lời một thực khách nhận xét khi thưởng thức miếng cá ngừ trong thuyền sashimi 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) tại một nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội. Ăn một lát gừng ngâm hoặc uống rượu sake để xóa vị miếng trước, vị khách tiếp tục thưởng thức bào ngư, cá bơn vàng, sò điệp... kèm hoa tía tô Nhật Bản, củ mù tạt tươi và xì dầu.
Thuyền sashimi này được đưa vào phục vụ từ tháng 3, tới nay có khoảng 50 người thưởng thức. Bếp trưởng Nemoto Hide Aki cho biết món ăn do ông và bếp trưởng Kyo Nguyễn lên ý tưởng sau lần đón tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama năm 2021.
"Khi ấy chúng tôi có chuẩn bị cho ngài Hatoyama món sashimi có tên "Tình hữu nghị". Ông thưởng thức và cho rằng Việt Nam với Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ẩm thực nên chúng tôi nghĩ rằng mình cần làm một món ăn là cầu nối giữa hai quốc gia", ông Nemoto nói.
Một phần sashimi của nhà hàng có 88 miếng với 10 loại nguyên liệu. Ảnh: Lan Hương
Đó là lý do món sashimi này ra đời. Món ăn gồm 88 miếng, tượng trưng cho sự sung túc, may mắn. Nguyên liệu được lựa chọn tỉ mỉ như bào ngư, cá voi, bơn vàng, nhum biển tươi, sò điệp, cá kinki... Trong số đó có các nguyên liệu đắt tiền như tôm hùm bông của Nha Trang, yêu cầu loại trên 1,5 kg mỗi con, giá bán 10 triệu đồng mỗi kg. Thứ hai là phần bụng của cá ngừ vây xanh đại dương với giá 15 triệu đồng mỗi kg. Loại cá này cần thông qua đấu giá, sau đó được giám sát và vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam. Thứ ba là bào ngư Nhật Bản loại 300 gr, giá hơn 3 triệu đồng mỗi con.
Ẩm thực Nhật Bản có điểm nổi bật nhất là tươi ngon và sự tinh tế, vì vậy những nguyên liệu phải được ướp lạnh và vận chuyển cấp tốc trong 24 giờ về Việt Nam. Dù không cần thước, từng miếng sashimi được đầu bếp cắt đúng độ dài, mỏng hay nghiêng như cân đo.
Ông Kyo Nguyễn tự ví những đầu bếp làm sashimi như một nhà sinh vật học. Khi cắt tôm cần tìm đường tiết, chọn đúng và khéo léo dùng dao cắt bỏ, tránh để tiết ngấm vào tôm, sau đó sử dụng nhiệt độ lạnh siêu tốc giúp thịt co lại, giòn và giữ hương vị tinh khiết. Còn cá ngừ Nhật Bản thì phải nắm được kết cấu, dùng dao chuyên dụng cắt đúng 4,5 cm, độ dày 1,2 cm. Mỗi đường dao đưa xuống dứt khoát, miếng cá hình chữ nhật gọn gàng, mịn. Nếu như miếng cá mỏng hơn sẽ khó cảm nhận vị ngọt, còn dày hơn sẽ dai.
"Dao cắt cũng như bảo kiếm của đầu bếp chúng tôi, nó được rèn giũa bởi thợ thành phố Sakai nên đảm bảo được độ mỏng, mịn của nguyên liệu", ông Kyo Nguyễn nói.
Trong thời gian các đầu bếp trưởng chuẩn bị nguyên liệu, những phụ bếp còn lại đục đá lạnh, bên trong có rong biển để lên bát tô lớn hoặc chiếc thuyền gỗ nhỏ. Đá vừa để trang trí món ăn, vừa để từng miếng sashimi giữ được độ tươi cần thiết khi mang tới bàn thực khách. Để cảm nhận trọn hương vị món ăn, miếng đầu tiên nên là tôm hùm. Để xóa vị miếng đầu, khách có thể nhấp rượu Sake hoặc một lát gừng ngâm. Các món tiếp theo là cá bơn vàng, sò điệp, cá kinki, cá voi, bào ngư, trứng nhum, cuối cùng là cá ngừ.
Phần thịt bụng cá ngừ được cắt dứt khoát với lưỡi dao bén nên rất mịn, đều đặn. Ảnh: Lan Hương
Là một trong những thực khách đầu tiên thưởng thức món ăn, chị Trương Vũ Hoạ Mi, Phó BTC cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 nhận xét: "Từng miếng tươi và ngậy, cách cắt thái vừa vặn, trình bày ấn tượng". Chị cũng đánh giá cao không gian ấm cúng, cách phục vụ tỉ mỉ và dụng cụ ăn uống đảm bảo vệ sinh. Với chị, bên cạnh nhiều giá trị dinh dưỡng, món ăn cũng thích hợp để lựa chọn khi tiếp khách, hội họp cùng người thân, bạn bè.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp