Su su được xem là đặc sản trong các loại rau, củ, quả của vùng cao Lào Cai. Su su Ô Quý Hồ đã trở thành thương hiệu vì giữ được nguồn gien gốc, ít bị thoái hóa giống nên trái ngon và ngọt khác thường...
Đến Lào Cai, đi từ Ô Quý Hồ đến Thác Bạc, du khách sẽ ngỡ ngàng với những giàn su su bạt ngàn, kéo dài. Ngày xưa su su được trồng đơn lẻ trong đồng bào Mông, Giáy, Dao... bản địa, nay su su đã được canh tác quy mô để xâm nhập và chinh phục các thị trường khó tính, cao cấp.
Su su là loại cây dễ trồng, thích nghi với mọi địa hình.Ở độ cao từ khoảng 1.500 mét đến hơn 2.000 mét, su su có chất lượng khác nhiều so với trồng dưới thấp. Đến Lào Cai, Sa Pa hay đi bất cứ đâu ở vùng này, nhiều du khách luôn gọi món su su cho các bữa ăn của mình: su su xào tỏi, xào thịt, xào tôm, xào trứng, nấu xúp... hay chỉ đơn giản là món su su luộc cũng đủ thuyết phục thực khách bởi chất lượng tự nhiên. Chỉ riêng món su su chấm muối vừng được xem là “đặc sản” bên cạnh các món ngon vùng này. Su su được gọt bỏ vỏ, xắt thành miếng vừa miệng ăn. Sau đó su su được luộc trong khoảng 4 phút, vừa chín tới, còn giòn thì vớt ra. Sau đó, người ta rắc muối vừng lên trên là có món ăn ngon tuyệt. Khi phố nướng Sa Pa đã làm đầy hơi thực khách thì su su chấm muối vừng là món để “cải thiện” dạ dày.
Nhiều người thích su su trồng ở Ô Quý Hồ không chỉ vì mặt hàng nông sản này có “mã vạch” mà còn vì chất lượng của nó. Vào mùa đông, Ô Quý Hồ lạnh, có khi đóng băng, tuyết rơi. Vào mùa hè, khi dưới xuôi nóng hừng hừng, Ô Quý Hồ vẫn mát mẻ, có khi hơi lạnh. Su su ở đây được trồng theo quy trình sạch cùng với điều kiện thời tiết ôn đới. Đặc biệt, su su Ô Quý Hồ chỉ xuống giống 1 lần rồi chăm sóc và thu hoạch suốt hơn 10 năm nên chất lượng su su không giảm so với phải nhổ dây bỏ, trồng lại như ở các nơi khác.
Đến vùng đất này, khách còn được thưởng thức nhiều loại rau, củ ngon lành mà nhiều người đã đưa vào đặc sản ẩm thực của Sa Pa, Lào Cai.
Nguồn : báo Cần Thơ