Bánh Khọt là món ăn vặt tuyệt vời mà du khách nhất định phải thử khi đến du lịch biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Món bánh thu hút thực khách không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn bởi cái tên rất lạ, rất độc đáo. Bánh khọt rất phổ biến ở các tỉnh phía Nam nhưng muốn thưởng thức hương vị ngon và chuẩn nhất thì phải tới Vũng Tàu.
1. Loại bánh với tên gọi đặc biệt
Sở dĩ người ta đặt tên là “bánh khọt” bởi khi lấy bánh ra khỏi khuôn cần sử dụng đến một chiếc muỗng dẹt để đẩy bánh lên, chiếc muỗng tiếp xúc với thành khuôn bằng gang sẽ tạo ra âm thanh “khọt khọt”.
Ngoài ra còn có một cách lý giải khác về ý nghĩa tên gọi này đó là khi xưa, những người nghèo không có tiền mua thịt, cá mà chỉ toàn lấy bột làm bánh ăn. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là “khộp” (nghĩa là nghèo khổ theo từ cổ). Lâu dần, từ “khộp” đọc lái thành “khọt” và cái tên bánh khọt được lưu giữ đến bây giờ.
2. Cách chế biến bánh khọt
Bánh khọt là một món ăn dân dã nhưng lại đòi hỏi khâu chế biến tinh tế. Nguyên liệu chính làm bánh gồm bột gạo và tôm. Bột gạo phải là loại nguyên chất không pha tạp, được xay từ tối hôm trước rồi để qua đêm để bột không bị nhão hay chảy. Sau đó, bột được pha với nước và nước cốt dừa để tăng độ béo ngậy, có thể thêm trứng gà sao cho bánh không quá đặc cũng không quá bở bởi nếu bột đặc, bánh sẽ dày và cứng; nếu bột quá lỏng lại khiến bánh mỏng và kém giòn.
Nguyên liệu chính của phần nhân là tôm tươi. Tôm được cắt đầu, bỏ vỏ, rửa sạch rồi để ráo rồi ướp với gia vị và xào trên chảo với hành, tỏi cho thơm. Ngoài ra, người ta còn cho thêm tôm chấy (tôm xay nhuyễn rồi mang xào trên chảo lửa riu riu đến khi tôm hơi khô) để tạo thêm sắc màu và và tăng hương vị ngọt thơm cho những chiếc bánh khọt. Bên cạnh đó, người dân Vũng Tàu còn dùng mực, bạch tuộc để làm nhân bánh khọt nhằm tăng sự đa dạng về hương vị.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu là đến khâu đổ bánh. Để làm ra một chiếc bánh khọt có độ giòn và mềm vừa phải lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, tay nghề cao của người chế biến. Đầu tiên, người ta tráng một lớp dầu hoặc mỡ heo vào khuôn rồi cho một lượng bột vừa đến mặt khuôn. Tiếp đến, cho thêm tôm tươi vào giữa rồi đậy nắp khuôn chờ khoảng 15 phút đến khi bánh chín vàng. Cuối cùng, bánh được cho ra đĩa rồi rắc thêm tôm chấy, mỡ hành.
Bánh khọt thường được làm tại chỗ để đảm bảo luôn nóng hổi. Từng thìa, từng thìa bột được người bán hàng thoăn thoắt đổ vào khuôn, tiếng chiên bột nghe tí tách vui tai cộng thêm mùi thơm ngậy hấp dẫn sẽ khiến du khách vừa thích thú, vừa nóng lòng để thưởng thức món bánh này.
Món bánh khọt ngon hay không phụ thuộc khá nhiều vào phần nước chấm. Nước chấm sẽ được pha bằng nước mắm, đường, muối, chanh sao cho không quá mặn mà phải có độ ngọt dịu thêm chút chua chua. Bên cạnh đó, người ta còn chuẩn bị một ít đu đủ, cà rốt bào sợi nhỏ cũng như ít tỏi, ớt cho vào nước chấm.
3. Các thưởng thức bánh khọt
Một phần ăn bánh khọt đầy đủ gồm bánh và các món đi kèm như nước chấm, rau sống gồm: cải bẹ, xà lách, tía tô, diếp cá… Ngay khi đĩa bánh khọt được dọn ra, du khách sẽ ấn tượng với vẻ bóng bẩy, màu vàng tươi bắt mắt của phần đế bánh được điểm xuyết nhân tôm tươi hấp dẫn.
Món ăn này không chỉ thu hút du khách bởi hình thức bên ngoài mà còn ở hương vị hấp dẫn bên trong. Khi thưởng thức, thực khách gắp một chiếc bánh cho vào lá cải bẹ bản to, thêm ít rau sống rồi cuộn lại và chấm vào chén mắm ớt. Ấn tượng đầu tiên là vị giòn rụm tan nhanh trong miệng của bột bánh rồi đến vị bùi của tôm hòa quyện với hương thơm của mỡ hành, lại thêm chút chua, ngọt của nước mắm cùng sự thanh mát của các loại rau khiến bạn có thể ăn hết đĩa bánh lúc nào không hay.
Theo lời kể của người dân địa phương, không ai biết bánh khọt xuất hiện ở Vũng Tàu từ bao giờ, chỉ biết rằng nó có nguồn gốc từ món bánh căn của các vùng Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Những người di cư đến Vũng Tàu đã mang theo bánh căn vốn là món ăn bắt nguồn từ ẩm thực của người Chăm. Dần dần, người Vũng Tàu đã thay đổi bánh căn để phù hợp với nguyên liệu, khẩu vị của người bản địa và gọi nó là bánh khọt.
Chiếc bánh khọt bình dị như chính cuộc sống của người dân Vũng Tàu nhưng luôn có sức hút với du khách. Giá một đĩa bánh khọt khoảng 25.000đ/đĩa 10 cái.
4. Những quán bánh khọt ngon nhất ở Vũng Tàu
Bánh khọt đã trở thành đặc sản của Vũng Tàu nên bạn có thể dễ dàng bắt gặp món này từ các quán ăn đường phố cho đến nhà hàng sang trọng. Và nổi tiếng nhất, đáng thử nhất là tại một số địa chỉ sau:
Bánh khọt cô Ba: 01 Hoàng Hoa Thám, phường 3, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt vú sữa: 14 Nguyễn Trường Tộ, phường 2, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Dì Hương: 84A Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt 209: 06 Nguyễn Trọng Quản, phường 8, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Bà Hai: 42 Trần Đồng, phường 3, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt cô Hai cây sung: 17 Hoàng Hoa Thám, Phường 3, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Út Loan: 67 Bà Triệu, Phường 4, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Miền Đông: 59 Bà Triệu, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Cây Đa: 21 Lý Thường Kiệt, TP. Vũng Tàu.
Bánh khọt Cây Tre: 8B Lương Văn Can, P.2, TP. Vũng Tàu
Ở Vũng Tàu, người dân coi bánh khọt vừa như một món ăn điểm tâm, cũng có người coi đó là một món ăn chơi vào buổi tối hay một bữa ăn chính ngon miệng. Có lẽ chính vì vậy mà bánh khọt đã trở thành một món ăn “không thể bỏ qua” của du khách khi tới Vũng Tàu, và trở thành niềm tự hào của người Vũng Tàu trong bức tranh ẩm thực đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Theo Wanderlusttips
Sưu tầm: Ngô Diệp