HÀ GIANG - Thắng dền có hai loại: chay và nhân đậu xanh nhưng bánh chay thường được thực khách yêu thích hơn.
Đây là món ăn dân dã, truyền thống của người dân miền biên cương. Nguyên liệu gồm gạo nếp, đỗ xanh chan trong nước đường hoa mai. Gạo ở đây là nếp nương dẻo thơm, hạt mẩy, ngâm qua đêm, để ráo rồi xay thành bột. Sau đó, bột được đổ vào một chiếc túi vải treo lên cho ráo. Bột đặc mịn thì mang ra nặn thành bánh.
Thắng dền thoạt nhìn khá giống bánh trôi nước ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức Khánh
Thắng dền có hình tròn, mỗi viên bánh to hay nhỏ tùy thuộc vào người nặn. Thường, bánh nhân đỗ to hơn ngón tay một chút, bánh chay nhỏ hơn. Ngoài màu trắng, bánh còn có các màu khác như tím, vàng, đỏ...
Công đoạn tiếp theo là luộc chín bánh. Các viên bột được thả vào nước sôi, khi nổi lên thì vớt ra xếp vào bát, rồi chan nước đường xâm xấp. Một bát thắng dền ngon hay không phần lớn được quyết định bởi nước đường. Mỗi người có một công thức riêng, song nguyên liệu chung thường gồm đường, nước cốt dừa, nước gừng đun nóng và rắc thêm vừng, lạc.
Để thắng dền tròn vị không bấy nát, khách gọi đến đâu người bán mới luộc đến đó. Bát bánh luôn nóng, lý tưởng trong đêm lạnh giá của các phiên chợ vùng cao. Ở thị trấn Đồng Văn, thắng dền được coi là món ăn chơi, quà vặt của người dân vào những đêm giá rét. Giá mỗi bát từ khoảng 5.000 đến 10.000 đồng.
Bánh có nhiều màu sắc khác nhau. Ảnh: Nguyễn Đức Khánh
Thoạt nhìn, nhiều thực khách có thể bị nhầm thắng dền với bánh trôi nước vì chúng có cùng hình dáng. Nhưng khi thử thắng dền, bạn sẽ nhận ngay ra sự khác biệt của ẩm thực vùng biên - có lẽ từ thứ nếp nương mộc mạc, từ tiết trời lạnh giá của miền sơn cước, hay tấm lòng hồn hậu của người dân xứ cao nguyên đá.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp