Cùng với vẻ đẹp hấp dẫn của hàng ngàn điểm đến, các món ăn đậm bản sắc dân tộc, đặc trưng cho mỗi vùng miền trên đất nước cũng là yếu tố thu hút du khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam. Các món ăn dân tộc ngon miệng, đậm hương vị Việt còn góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nhất. Thông qua ẩm thực, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Khách quốc tế “mê” món ăn Việt…
Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam đã đánh giá “Việt Nam là thiên đường ẩm thực” với những món ăn đặc sắc, hương vị thơm ngon không thể quên ở mỗi điểm đến.
Đến Hà Nội không du khách nào có thể quên hương vị của phở, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, xôi gà, chả cá Lã Vọng, bánh tôm hồ Tây, bánh cốm, các món nem cuốn.
Ẩm thực miền Trung hấp dẫn du khách bởi các món bánh, món chè xứ Huế, mỳ Quảng, cao lầu…; còn vùng đất Nam Bộ lại đặc trưng bởi các món lẩu, nướng từ thủy, hải sản với các loại cây trái sẵn có.
Người dân Việt Nam đã không còn xa lạ với hình ảnh những người nước ngoài ngồi vỉa hè cầm đũa chỉ để thưởng thức một bát phở sáng hay bát bún ốc nóng khói nơi góc phố quen thuộc.
Ngày càng nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới tìm đến Việt Nam vì mê hương vị món ăn Việt Nam, trong số đó có ông Didier Corlou người Pháp hiện đang là bếp trưởng khách sạn Metropole Hà Nội rất thích dùng nước mắm để chế biến các món ăn.
Ông cũng rất “mê” món phở của Việt Nam và đánh giá phở là một trong những món ăn ngon nhất thế giới, còn Hà Nội là một trong những thủ đô có nhiều món ăn ngon nhất thế giới.
Ông Didier Corlou đã viết một cuốn sách giới thiệu các món ăn ngon nhất Việt Nam bằng tiếng Pháp để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Một số nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và nước ngoài đã nhận xét, các món ăn Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách bởi nguyên liệu chủ yếu là các loại rau, củ,quả, hạt, thủy, hải sản, không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung Quốc, ít cay hơn đồ ăn Thái Lan.
Quan trọng hơn cả là các món đều nhiều rau xanh, trong trang trí và kết hợp gia vị đều hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng. Mỗi miền, mỗi vùng quê đều món ăn đặc sản, độc đáo, hấp dẫn. Rất nhiều nguyên liệu, gia vị món ăn của Việt Nam là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Cùng với sự phát triển du lịch là sự ra đời ngày càng nhiều của hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách thưởng thức các món ăn thuần Việt. Nhiều nhà hàng, quán ăn trong Nam, ngoài Bắc đã trở thành cái tên tìm đến của nhiều du khách như: Quán ăn Ngon, Nhà hàng Sen Hồ Tây, Sen Hà Thành, Quán bún Ta, bún Việt, phố ẩm thực Việt Nam...với hàng trăm món ăn dân tộc mỗi ngày cho du khách lựa chọn.
Hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã góp phần mang món ăn truyền thống dân tộc phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, được biết đến nhiều nhất vẫn là món phở.
Văn hóa ẩm thực đã góp phần vào thành công của ngành du lịch trong những năm qua bởi ẩm thực hội tụ được sự độc đáo, đa dạng, phong phú và bản sắc văn hóa từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến món ăn cho đến khâu trang trí. Qua ẩm thực, một phần bản sắc văn hóa của Việt Nam đã được gìn giữ và phát huy trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế.
Chiến lược phát triển ẩm thực dân tộc
Trong năm 2010, Tổng cục Du lịch đã dành số kinh phí nhất định để quảng bá mạnh mẽ văn hóa ẩm thực Việt Nam đến các thị trường quốc tế theo hướng phát huy bản sắc dân tộc.
Hiện Tổng cục du lịch đã có kế hoạch xúc tiến, quảng bá riêng về ẩm thực tới các thị trường ASEAN là những nước có văn hóa tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Malaysia; tiếp đó là thị trường Trung Quốc - thị trường chiếm tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam rất đông.
Với thị trường châu Âu, Tổng cục Du lịch sẽ mở màn tại Pháp và Đức để quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Ngoài chương trình quảng bá tại thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng đã có chương trình quảng bá, tôn vinh món ăn dân tộc tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và Năm du lịch quốc gia 2010, sau đó còn có chương trình, sự kiện quảng bá tại nhiều địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Lào Cai…
Nguồn : Báo Bình Dương