Biển Tân Thành thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang dài khoảng 7 km. Riêng khu du lịch biển Tân Thành đã được làm bờ kè dài gần 300m. Điều hấp dẫn du khách đến với Tân Thành ngoài việc ngâm mình trong làn nước mằn mặn, hơi đục phù sa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ và được hóng gió biển trong lành chính chính là đặc sản biển.
Không biết tự bao giờ cái tên con nghêu Gò Công đã nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ, mà cái gốc của nó được khẳng định là con nghêu biển Tân Thành. Vào mùa gió nồm (gió Đông Nam, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) là mùa thu hoạch nghêu chính vụ. Đây là lúc ruộng đồng Gò Công khô khốc, nước sông còn mặn chát, nhưng lại là lúc biển Tân Thành tràn ngập những nghêu là nghêu!. Nhưng phải đợi tới tháng 7 âm lịch, khi con nghêu đã lớn, mới là lúc làm chúng thành các món ngon.
Để thưởng thức món ngon dân dã này, không gì bằng được tham gia đi xúc nghêu cùng các bà con nơi đây. Nước ròng, hàng bao nhiêu người lần theo bờ nước rút dùng cào, cuốc xúc nghêu. Nghêu được làm thành nhiều món ăn: xào mướp hương, xào bầu, kho tiêu, gỏi nghêu... nhưng ngon và khoái khẩu nhất có lẽ là nghêu nướng hoặc hấp. Nghêu nướng phải chọn những con "bự" mới ngon. Nướng con nào ăn con đó. Nghêu hả miệng là chín, banh vỏ, vắt chút chanh, chấm muối tiêu rồi húp nước. Sau đó dùng răng rứt nghêu, ăn kèm đọt nhàu, lá gừng, lá nghệ. Nếu hấp lá chanh, lá sả, lá bưởi thì chỉ cần những con nghêu don don. Thưởng thức món này sẽ giúp bạn thơm tho, sảng khoái miệng lưỡi.
Riêng món nghêu nhúng giấm mới là "độc chiêu" của người dân xứ này. Thịt nghêu nhúng vô nồi giấm đang sôi, gắp ra, cuộn trong lớp bánh tráng đã sắp sẵn rau thơm cùng dưa leo, chuối chát, khóm, khế... chấm nước mắm chanh tỏi ớt. Nhậu quắc cần câu các món ngon này với rượu ngâm trái sơ ri thì đã có cháo nghêu "đặc trị". Cháo nghêu nấu với nước cốt dừa vừa béo vừa ngọt vừa nóng hổi, toát mồ hôi, nhanh chóng giúp "giải nghể" cơn say. Dù làm thành món gì, muốn ngon, cũng phải dùng nghêu sống và phải ngâm nước vo gạo hoặc nước pha chút giấm để nghêu nhả hết chất dơ ra.
Cũng thú vị như vậy là tham gia một đêm bắt ốc hương gần đuôi cồn Cống. Đêm đen kịt. Thủy triều xuống. Hàng bao nhiêu ánh sáng lấp loáng dải dài trên bãi kiệt nước. Ngồi một chân xếp trên ván lướt, một chân thò xuống bùn non mà đẩy. Vừa đẩy vừa nhanh tay chụp lấy những con ốc hương hiện ra trong ánh sáng đèn bình. Chẳng bao lâu, bạn đã có hàng bao nhiêu chú ốc xinh đẹp đủ để làm thành món nhậu hấp dẫn. Ốc hương luộc, hoặc hấp chín thì cho vào tủ lạnh. Khi ăn lấy ra chấm muối tiêu chanh sẽ có vị ngọt và giòn và lạnh thấu tủy răng. Ốc hương là loại ốc cao cấp rất được các nhà hàng có "sao" ở Sài Gòn săn lùng.
Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, biển Tân Thành thường xuất hiện một loại hải sản rất quý hiếm là con móng tay. Con móng tay sống trong cát bùn, chỉ ăn phiêu sinh vật. Khi thủy triều lên, nó trồi ra khỏi hốc, lủi ngay vô cát khi có tiếng động. Vậy mà săn bắt những con này rất dễ với cây que dừa cùng một ít vôi. Chỉ cần hấp, xào hoặc nấu cháo là ta đã có thể lắng nghe vị ngọt của những miếng thịt con móng tay giòn tan trong răng mà không nhà hàng lớn nào có được.
Ngoài ra, bãi biển Tân Thành còn có rất nhiều sò đũa bếp, đây cũng là một trong những món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Sò đũa bếp được coi là đặc sản của vùng biển Tân Thành. Sau khi luộc xong, sò rất ngọt và thơm không kém gì nghêu, trong khi giá bán lại rẻ hơn, chỉ 10.000 đồng/kg. Thấy rẻ, nhiều khách du lịch tìm mua để làm mồi nhậu. Cũng chính vì thế, nhiều nông dân thường tụ tập bên bãi biển chờ nước ròng để tìm bắt sò, bán cho du khách nhằm tăng thu nhập.
Đến với biển Tân Thành là bạn đâu chỉ đến với không khí trong lành, khỏe người của gió biển, thưởng thức những món ngon vật lạ từ các loài nhuyễn thể mà còn có dịp hòa mình khám phá cuộc sống của cư dân nơi đây.
Nguồn : Báo Tiền Giang