Sông Cầu được mệnh danh là xứ dừa của Phú Yên. Dừa ở Sông Cầu thân cao tỏa bóng mát rợp dọc dài từ chân đèo Cù Mông đến tận dốc Gành Đỏ. Sông Cầu có một số đặc sản nổi tiếng, trong đó phải kể đến món đuông dừa.
Đuông là một loại bọ cánh cứng, có họ gần với con kiến vương, chuyên đục phá cây dừa. Đuông trưởng thành to bằng ngón tay trỏ, dài chừng năm phân, toàn thân có màu nâu, riêng đôi cánh cứng lại có màu đỏ tươi, bên trên có điểm mấy chấm đen tròn bao lấy hai màng cánh lụa phía trong. Đến mùa sinh sản, đuông cái đục ngọn và đẻ trứng vào gần cuống của trái dừa. Ấu trùng lớn gần bằng ngón tay thì hoá nhộng và mỗi con chui vào nằm trong một cái kén được dệt bằng áo tố dừa rất khéo và chắc chắn. Thời kỳ này, con đuông non nào cũng ứ sữa, mập tròn, trắng phau. Người ta chỉ tìm được nó khi thấy chòm lá trên ngọn cây dừa bị héo và đổ gục xuống. Khi bắt, người ta leo lên tận ngọn hốt trọn ổ mang về nhà. Con đuông non đem chiên bột là món đặc sản.
Trước khi chiên, con đuông phải được dội sơ nước sôi cho sạch, sau đó cho vào hỗn hợp bột mì số 6, hột gà, tiêu, muối. Dầu ăn được đổ vào chảo vừa phải rồi bắc lên bếp, khi thấy dầu bắt đầu sủi tăm thì có thể trút từng con đuông đã lăn bột vào để chiên. Lửa quá già sẽ làm cho miếng bột chín hỗn, bên ngoài cháy sém đen hoặc ngả màu vàng đậm không bắt mắt còn bên trong thì con đuông chưa chín; lửa non sẽ làm cho miếng bột trắng nhờ nhờ trông không hấp dẫn.
Biết cách chiên, mỗi con đuông được bao quanh một khối bột tròn đều, có màu vàng mật non. Lúc vớt con đuông tẩm bột ra khỏi chảo dầu nhớ phết qua chút bơ margarin để tăng thêm hương vị. Khi ăn, người sành điệu đưa lên miệng cắn từng miếng nhỏ để thưởng thức. Vị ngọt bùi thơm lựng của đuông non hòa với vị của hột gà pha trong bột mì và vị béo của dầu ăn lẫn chút hương bơ còn vương khói nóng, tất cả cùng tan trên đầu lưỡi. Món đuông chiên bột đã ngon lại càng ngon hơn nếu nhắm với rượu gạo chính hiệu được cất tại làng Mỹ Phụng (Xuân Lộc, Sông Cầu).
Nguồn : baodulich