didulich.net - Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam người ta thường nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.
Nếu người dân ở các vùng khác thích uống trà "mộc" (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội lại thích uống trà ướp sen, trà hoa nhài và trà hoa cúc. Ðặc biệt, trà sen là một thứ trà quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu.
Muốn trà sen Hà Nội có vị sen đặc trưng thơm ngát thì sen được chọn để ướp trà phải là sen của Hồ Tây. Mỗi cân trà phải dùng từ 1000 - 1400 bông sen để ướp, tùy độ to nhỏ và phải được hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Gạo sen là túi đựng hương thơm, việc lẩy gạo sen tưởng chừng như đơn giản nhưng để làm cho gạo sen không nát, không khô, vẫn giữ được hương sen thuần khiết lại là cả một nghệ thuật. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-7 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà.
1kg trà phải dùng đến hơn 1000 bông sen để ướp.
Trà sen tinh tế từ khâu lựa chọn sen đến khâu chọn trà để ướp sen. Thời xưa, người làm trà sen thường ướp sen trên nền trà mạn Hà Giang, búp trà to xanh mướt. Trà mạn dùng ướp sen không đơn thuần chỉ sao khô lên rồi cho vào ướp, công đoạn để có 1 kg trà ướp sen cũng được thực hiện nhiều bước và rất công phu. Trà sau khi hái về được đồ chín cho mất hết vị chát của trà, khi thưởng thức chỉ thấy vị thơm của hương sen lan tỏa trong miệng. Sau đó người ta đem trà đã đồ chín ra xao khô rồi lót lá chuối ủ trong chum đất từ 3 đến 5 năm. Ủ trà lâu như vậy để trà trở nên tơi xốp, khi ướp chung với gạo sen, hương sen mới ngấm vào trà giúp giữ hương bền hơn. Uống chén trà sen đến khi nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
Thời nay, khẩu vị của người thưởng trà có đôi chút thay đổi, họ còn muốn thưởng thức thêm cả vị chát nhẹ của trà lẫn với hương sen thơm ngát. Để chiều lòng khách người làm trà ướp sen trên nền trà Tân Cương Thái Nguyên trà chỉ cần xao khô là có thể ướp gạo sen vào.
Cái tinh túy nhất của trà sen chính là nghệ thuật thưởng trà, từ xa xưa, thưởng trà được coi là thú vui tao nhã của các bậc văn nhân, danh sĩ, người xưa tặng nhau 1,2 ấm trà sen gói vào giấy điều đỏ là đã thấy hết tình cảm tri ân trong đó. Vì trà sen không chỉ quý bởi quy trình làm trà rất kỳ công và tinh tế mà trà sen còn mang giá trị vật chất lớn so với một thú chơi. Mỗi cân trà sen còn tính bằng vàng. Bởi vậy, khi đến nhà phàm là những khách tri âm, tri kỷ họ mới mời nhau một chén trà sen.
Ngày nay, do cuộc sống bộ bề bận rộn, thú thưởng trà ngày bị mai một, ít ai dành thời gian thưởng thức một tuần trà sen theo đúng nghĩa, trà sen mà mọi người biết đến là gói trà Kim Anh 1.000 đồng/gói làm bằng tinh dầu hóa chất.
Lẩy gạo sen là cả một nghệ thuật!
Hiện còn rất ít những gia đình còn giữ nghề làm trà sen, trà sen chỉ còn phục vụ cho số ít những người sành trà ở Hà Nội. Những người tâm huyết với nghề như gia đình anh Sướng chủ quán trà Trường Xuân đường Ngô Tất Tố luôn hi vọng, thú thưởng trà sẽ quay trở lại để nghề làm trà không bị mai một và một nét tinh hoa của ẩm thực Hà Thành không bị mất đi
VITINFO