Nếu bạn là một tín đồ ẩm thực Việt Nam và cực hảo ngọt thì ắt hẳn không thể bỏ quan top những món bánh đặc sản vùng miền nức tiếng này!
Bánh pía Sóc Trăng
Bánh pía Sóc Trăng là một trong những món bánh đặc sản vùng miền mà bạn nhất định không được bỏ qua. Đặc sản Sóc Trăng này thực chất có nguồn gốc từ người Triều Châu, họ đã mang món bánh này đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 17.
Bánh pía Sóc Trăng là một trong những món bánh đặc sản vùng miền mà bạn nhất định không được bỏ qua. Ảnh: @TheFoodCouple
Nhưng sau đó, món bánh này được thay đổi ít nhiều để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương và cũng từ đó trở thành món bánh đặc trưng mà bất cứ du khách nào khi có dịp du lịch Sóc Trăng cũng muốn tìm mua để thưởng thức, rồi mua về làm quà cho người thân và bạn bè của mình.
Bánh pía Sóc Trăng ngày nay có khá nhiều vị để thực khách lựa chọn. Ảnh: anh_ngoc_huynh
Bánh pía Sóc Trăng ngày nay có khá nhiều vị để thực khách lựa chọn nhưng dẫu thế thì bánh pía đúng chuẩn phải có vị ngọt nhẹ của đậu xanh, thơm của sầu riêng. vị béo ngậy của nước cốt dừa và đương nhiên chẳng thế thiếu chút bùi bùi đặc trưng của trứng muối. cùng chút bùi bùi của nhân trứng muối. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên món bánh đậm đà mà ai ai thử qua cũng đều nhớ mãi.
Bánh gio Bắc Giang
Tuy có cái một cái tên khá kỳ lạ nhưng bánh tro hay có tên khác là bánh gio, là một trong những món đặc sản dân dã nhưng nổi tiếng của ẩm thực Bắc Giang. Có thể nói, món bánh này hương vị cũng ngon chẳng hề kém cạnh bất cứ loại bánh đặc sản vùng miền nào khác.
Bánh gio là một trong những món đặc sản dân dã nhưng nổi tiếng của ẩm thực Bắc Giang. Ảnh: tapchinhabep
Sở dĩ món bánh này được xem là món đặc sản Bắc Giang là bởi nếu như những nơi khác chỉ làm bánh vào dịp tết Đoan Ngọ thì ở đây người dân làng Đa Mai lại làm bánh hàng ngày và đem bán ở khắp các khu chợ truyền thống hay quán ăn địa phương.
Nguyên liệu chế biến món ăn này cũng đơn giản. Ảnh: anhsausaigons
Nguyên liệu chế biến món ăn này cũng đơn giản, chỉ cần có gạo nếp, nước tro được đốt từ các loại lá tầm gửi, vỏ bưởi, quả xoan,… nước vôi trong, thêm một ít lá dong hoặc chuối để gói bánh là đủ. Thế nhưng quy trình làm bánh lại đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người đầu bếp trong từng công đoạn, có như thế thì mới cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon, chuẩn vị nhất.
Bánh tro khi thành phẩm thì lúc lột vỏ ra bạn sẽ trông thấy một khối có màu hổ phách trong vắt cực bắt mắt. Ảnh: @littlequanzz
Bánh tro khi thành phẩm thì lúc lột vỏ ra bạn sẽ trông thấy một khối có màu hổ phách trong vắt cực bắt mắt. Lấy dao hay kéo cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chấm vào bát mật mía óng ảo, thơm dịu rồi nhâm nhi thưởng thức thì mới cảm nhận được hương vị ngọt mát của chiếc bánh.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Nói đến ẩm thực Hải Dương là người ta lại nghĩ ngay đến món bánh đậu xanh gắn liền với tuổi thơ của biết bao người dân đất Việt. Món bánh đặc sản vùng miền này từng được dâng lên vua Bảo Đại và thậm chí còn được nhà vua ban sắc lệnh khen ngợi, trên đó có in hình “Rồng Vàng” và đây cũng chính là lý do vì sao bánh còn có tên gọi khác là Bánh Đậu xanh Rồng vàng.
Nói đến ẩm thực Hải Dương là người ta lại nghĩ ngay đến món bánh đậu xanh. Ảnh: cooky
Nguyên liệu để chế biến món bánh đặc sản Hải Dương này khá đơn giản, gồm có đậu xanh, đường, mỡ lợn và tinh dầu hoa bưởi. Nhưng tất cả các nguyên liệu này phải được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo chất lượng nhằm đem đến những chiếc bánh thơm ngon nhất. Bên cạnh đó, giấy bạc dùng để gói bánh cũng phải lựa chọn kỹ để giúp bánh trông đẹp mắt và bảo quan được lâu hơn.
Khi ăn bánh đậu xanh, bạn sẽ thấy từng miếng bánh như tan ngay trong miệng. Ảnh: vietnamtravelblog
Khi ăn bánh đậu xanh, bạn sẽ thấy từng miếng bánh như tan ngay trong miệng nhưng vẫn kịp để cảm nhận được vị beo béo, ngọt thanh chứ không quá gắt cùng với hương thơm dịu nhẹ của hoa bưởi khiến ai thưởng thức cũng muốn ăn thêm vài ba hộp bánh nhỏ khác mới thỏa lòng. Đặc biệt, nếu có thêm ly trà nóng nữa thì hương vị bánh càng trọn vẹn.
Đặc biệt, nếu có thêm ly trà nóng nữa thì hương vị bánh càng trọn vẹn. Ảnh: tquynh
Bánh cáy Thái Bình
Nếu dịp ghé thăm mảnh đất Thái Bình thì bạn nhất định phải thử qua món bánh cáy, đặc sản nức tiếng của nơi này. Từ những nguyên liệu hết sức đơn giản, nhưng qua bàn tay tài hoa của người dân địa phương đã tạo nên một món đặc sản Thái Bình dân dã nhưng rất được ưa chuộng.
Nếu dịp ghé thăm mảnh đất Thái Bình thì bạn nhất định phải thử qua món bánh cáy. Ảnh: trinhtrn
Trước đây, bánh cáy được làm hoàn toàn bằng thủ công, nhưng đến nay ít nhiều đã có sự tham gia của máy móc trong các công đoạn sản xuất, đóng gói nhằm nâng cao năng suất và khiến các sản phẩm trong đẹp mắt hơn. Nhưng dẫu vậy thì bánh vẫn luôn giữ hương vị chuẩn từ xưa đến giờ.
Muốn bánh đặc sản vùng miền này ngon thì cần phải trải qua một quy trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉnh chu. Ảnh: dienmayxanh
Muốn bánh đặc sản vùng miền này ngon thì cần phải trải qua một quy trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉnh chu của người làm bánh từ khi chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi sơ chế và đem đi chế biến. Tuy đòi hỏi cao nhưng khi cầm được một miếng bánh trên tay, hương thơm của bánh, rồi độ dẻo cùng vị ngọt của mật mía, béo bùi của lạc, vừng và tóp mỡ sẽ khiến bạn ấn tượng ngay lần đầu thưởng thức.
Bánh cốm Hà Nội
Du lịch Hà Nội mà không thưởng thức bánh cốm thì quả thật là thiếu sót vô cùng lớn. Bánh cốm không chỉ là món bánh luôn hiện hữu trong mỗi dịp cưới hỏi hay lễ tết ở thủ đô mà nó còn là thức quà đặc sản Hà Nội được du khách gần xa ưa chuộng mua về làm quà.
Du lịch Hà Nội mà không thưởng thức bánh cốm thì quả thật là thiếu sót vô cùng lớn. Ảnh: halotravel
Bánh cốm Hà Nội trước đây chỉ đơn giản là dùng những hạt cốm già xào với đường rồi đem gói bằng lá chuối giúp bảo quản bánh được lâu hơn. Nhưng về sau, người ta sáng tạo thêm nhân bánh đậu xanh bên trong nhằm tăng thêm hương vị cho bánh.
Bánh cốm Hà Nội trước đây chỉ đơn giản là dùng những hạt cốm già xào với đường rồi đem gói bằng lá chuối. Ảnh: 9foods
Đặc sản Hà Nội này khi thành phẩm sẽ có vị ngọt dịu từ lớp vỏ bánh và đậm dần ở phần nhân, vị dẻo thơm của cốm kết hợp với vị bùi bùi của đậu xanh. Nhâm nhi từng miếng bánh cốm xanh mướt kèm theo tách trà nóng bên cạnh thì thật chẳng còn gì bằng.
Bạn có thể tìm thấy món bánh đặc sản vùng miền này ở khắp các con phố tại thủ đô. Ảnh: redsvn
Bạn có thể tìm thấy món bánh đặc sản vùng miền này ở khắp các con phố tại thủ đô, nhưng thông thường người ta vẫn thường mách nhau tìm đến phố Hàng Than để chọn mua vì ở đây tập trung hầu hết các thương hiệu bánh cốm nổi tiếng với mức giá khá rẻ, trung bình chỉ khoảng 4.000đ đến 7.000đ mà thôi.
Bánh ngải Lạng Sơn
Ẩm thực Lạng Sơn từ lâu đã nổi tiếng với vô vàn những món đặc sản thơm ngon, trong đó có một loại bánh dân dã nhưng đầy hấp dẫn chính là món bánh ngải. Nếu có dịp du lịch Lạng Sơn vào dịp lễ tết thì bạn sẽ thấy chúng được làm và bán ở rất nhiều nơi, còn nếu đến vào ngày thường thì bạn có thể tìm thấy bánh ở các khu chợ truyền thống với giá khá rẻ, chỉ từ 2.000đ/cái.
Ẩm thực Lạng Sơn từ lâu đã nổi tiếng với vô vàn những món đặc sản thơm ngon, trong đó có bánh ngải. Ảnh: anhsausaigon
Món bánh này tuy nguyên liệu dễ làm và không kén gạo, nhưng nếu muốn bánh có độ dẻo thơm và có độ xanh mướt mắt thì phải chọn gạo nếp nương, ngải cứu tươi non, còn nguyên liệu nhân thì phải chọn vừng đen và đường phèn. Cũng nhờ thế mà dù cho bánh được làm từ gạo nếp nhưng mát và rất dễ ăn, lại không bị ngấy như nhiều món bánh khác.
Món bánh này tuy nguyên liệu dễ làm và không kén gạo, nhưng nếu muốn bánh ngon thì phải lựa nguyên liệu kỹ càng. Ảnh: tungboo0107
Bánh xoài Nha Trang
Món bánh đặc sản vùng miền cuối cùng mà bạn không nên bỏ qua chính là bánh xoài Nha Trang. Có lẽ ít ai có thể nghĩ rằng từ những quả xoài chín mà người ta có thể chế biến nên một loại bánh tráng dẻo thơm, chua chua ngọt ngọt hấp dẫn như thế.
Món bánh đặc sản vùng miền cuối cùng mà bạn không nên bỏ qua chính là bánh xoài Nha Trang. Ảnh: cooky.vn
Món bánh này nghe tưởng chừng đơn giản thế nhưng nó cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức mới có thể làm ra được những mẻ bánh thơm ngon. Bánh xoài đúng chuẩn phải màu vàng cánh gián đẹp mắt, bánh mềm và dai. Đến khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị chua ngọt hài hòa, khiến bạn cứ muốn ăn mãi chẳng ngừng.
Bạn có thể ghé đến chợ Đầm ở Nha Trang hoặc các cơ sở uy tín trong thành phố để tìm mua món bánh xoài này. Đặc biệt, món đặc sản Nha Trang này có thể bảo quản đến tận 6 tháng nên đây là một gợi ý lý tưởng nếu bạn muốn mua quà về tặng cho người thân của mình đấy.
Dù cho giờ đây trên thị trường có muôn vàn món bánh nhập khẩu độc đáo và đầy màu sắc khác nhau, thế nhưng có lẽ với các tín đồ ẩm thực Việt thì chẳng gì có thể thay thế được những món bánh truyền thống dân dã này.
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)
Sưu tầm: Ngô Diệp