Tháng ba, tháng tư khi gió chướng lao xao đẩy nước mặn vào các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long thì người sành ăn biết là đã tới mùa cá ngát. Cá ngát da trơn, lưng đen bụng trắng, thường chui rúc dưới hang sâu, vực xoáy, sống được ở cả nước ngọt lẫn nước lợ, nhiều con sống lâu năm lên “lão làng”, nặng năm, bảy ký lô.
Những lão ngư ở vùng cửa sông Ba Lai, Hàm Luông (Bến Tre) nói, cá ngát chỉ làm được hai món ngon “dách lầu”, đó là kho tộ và nấu canh chua, mà nếu nấu được nồi canh chua cá ngát với cơm mẻ, bắp chuối chẻ dọc thì mới đúng điệu.
Nhưng giới “đệ tử Lưu Linh” xứ nước mặn thì cho rằng kiếm được cặp trứng cá ngát nấu canh chua cơm mẻ mới đúng là dân sành ăn. Ông Tám Phước, dân cố cựu ở vùng Tiệm Tôm, Ba Tri, nói rất hiếm khi gặp được con cá ngát có trứng. Thường, nếu bắt được con cá có trứng, ngư dân không bao giờ đem bán, bởi con cá mang trứng cái bụng chang bang, thân mình ốm nhom ốm nhách, không bao nhiêu thịt, các bà nội trợ nhìn thấy là ngó lơ đi thẳng, bán chẳng được bao nhiêu tiền.
Làm món trứng cá ngát nấu canh chua cơm mẻ không khó, cặp trứng lấy ra rửa sạch, trụng sơ với nước sôi cho chín tái. Nồi nước cơm mẻ đun sôi, nêm nếm vừa ăn, cho thêm một nắm sả, ớt, tỏi bằm nhuyễn, bỏ cặp trứng vào nấu tiếp, nêm thêm rau thơm gồm ngò om, ngò gai, lá quế, ớt xắt khoanh. Khi trứng cá chín dùng muỗng xắn từng miếng, chấm với muối cục đâm ớt hiểm, nhai chậm rãi từng hạt trứng to hơn đầu đũa ăn trong miệng, lắng nghe vị bùi bùi, béo béo của trứng cá hoà quyện với vị chua của cơm mẻ, cay xé của ớt, sả, vị mặn mòi của muối cục, chát ngọt của bắp chuối và mùi thơm của rau gia vị, tợp thêm ngụm rượu đế đưa cay thì…chẳng cao lương mỹ vị nào bằng.
Cho nên ngư dân nào may mắn bắt được con cá ngát có trứng thường giữ lại gầy độ nhậu, mời cho bằng được bạn tri kỷ thưởng thức món ngon hiếm có, hoặc mang biếu cho những người họ kính trọng, yêu quý.
Nguồn: Tin tức