Không biết từ bao giờ, hình ảnh cây sung đã gắn liền với làng quê Bắc Bộ. Những gốc sung không chỉ là chỗ chơi đùa của lũ trẻ con trong làng mà quả sung, lá sung còn đi vào những bữa ăn thanh đạm chốn thôn dã.
Nhưng giờ bóng dáng những cây sung nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước ao trong không còn nhiều nữa. Thi thoảng về quê bắt gặp một chùm quả sung xum xuê trong nắng, tôi lại nhớ da diết bát sung muối của chị năm xưa.
Ngày ấy, chị còn là cô thiếu nữ mười tám căng tràn nhựa sống. Những trưa hè oi ả, chúng tôi thường theo chị rồng rắn đi hái sung về muối. Những ngón tay trắng hồng của chị nhặt từng quả sung trong rổ rồi rửa sạch cho vào vại. Chị bảo sung để muối phải là những quả bánh tẻ mới ngon, sung non thì chát, muối sẽ hỏng mà già thì nát cũng không đạt, chỉ có sung bánh tẻ là ngon nhất.
Từng vốc sung đã ráo nước được chị nhẹ nhàng cho vào vại đất, rải lên một lớp muối trắng, cứ lần lượt một lớp sung lại đến một lớp muối. Khi sung đầy vại, chị gài lên một chiếc vỉ tre, nén chặt rồi rót nước đun sôi để nguội vào. Mỗi lần chị muối sung tôi lại khấp khởi đợi chờ. Sốt ruột, ngày nào tôi cũng “ghé thăm” vại sung muối. Sung muối phải để 2 – 3 ngày ăn mới ngon. Vị sung muối rất lạ, không như cà hay su hào muối. Sung giòn, chua dịu và hơi mặn, lạ lắm! Tôi có thể ăn vã cả bát sung muối mà không chán miệng hay xót ruột.
Sung muối là món ăn của những người dân quê nghèo chúng tôi. Bữa cơm thanh đạm của nhà nông phong phú hơn nhờ những trái sung nho nhỏ ấy. Thêm vài ba con rô, con diếc kho tương của bà, bát canh láo nháo với rau đay, mùng tơi, dền gai, lá ớt của ông, bữa ăn thật ngon miệng. Tuy vậy, bà vẫn bảo, sung muối hợp vị nhất là ăn với canh riêu cua. Bát canh với gạch cua nâu vàng nổi lên từng đám, vài cọng hành mềm và vài sợi mùi tàu thái chỉ thả bên trên, nhìn thôi đã thèm chảy nước miếng! Trưa hè từ ngoài đồng về, được bát canh cua ăn với sung muối thì không còn gì bằng. Những lúc như thế mẹ đều khen chị muối sung khéo. Chỉ tiếc là tôi dị ứng với cua nên lúc nào cũng chỉ ngậm ngùi nhìn cả nhà tấm tắc vừa ăn vừa khen lấy khen để.
Thỉnh thoảng có bữa cải thiện, mẹ làm món nộm tai lợn bóp thính. Món này mà thiếu lá sung thì coi như hỏng vị, cả nhà ăn uể oải thấy rõ. Một chiếc lá sung, thêm hai ba miếng tai lợn thính và mấy cọng rau thơm cuộn trong lá bánh tráng trắng nõn chấm vào bát nước mắm pha tỏi ớt rồi đưa lên miệng. Cái sần sật của tai lợn, mùi thơm của rau, vị cay của tỏi ớt, chát dịu của lá sung thật khó mà quên được! Sau này có dịp ăn món bánh tráng miền Nam, tôi thấy họ dùng tới gần hai mươi loại rau sống nhưng thiếu lá sung như thiếu hẳn hương vị miền Bắc thân yêu.
Giờ lá sung, sung muối đã theo chân thực khách bước vào nhà hàng sang trọng để ăn kèm với món dê tái, bê tái, thảng cũng có lúc tôi gặp lại “người bạn cũ” ấy rong ruổi những quán ốc ở Hà thành. Chỉ có điều là qua tay người chế biến khác, “người bạn cũ” đã đổi vị nhiều. Tuổi thơ giờ đã là miền ký ức xa ngái, nếu có chiếc vé đi về những ngày xưa ấy, tôi tha thiết gặp lại “người bạn sung muối” trong bàn tay vén khéo của chị. Không biết giờ ở nơi xa chị còn muối sung không…
Nguồn : QH