Đất Huế thơ mộng với những con người tài hoa, khéo léo đã tạo ra nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, đầy màu sắc mà khi nhắc đến hẳn ai trong chúng ta cũng mong được thưởng thức không chỉ một lần. Cũng như bánh sừng trâu, rượu cần, xôi nướng ống nứa trở thành một đặc sản ẩm thực của đồng bào ở phía Tây Thừa Thiên Huế.
Tinh hoa của núi rừng
Món ăn truyền thống xôi ống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, hay Cơ Tu, thường để dùng đãi khách quý hoặc cúng các Giàng trong dịp lễ, tết. Đó là một món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây, giống như men rượu cần nơi đại ngàn sâu thẳm của núi rừng.
Để có được món xôi ống ngon đồng bào thường vào tận rừng sâu,chọn những cây nứa vừa ra cành chặt mang về. Theo đồng bào, cây nứa còn non thì mới cho ra được nước của cây nứa hòa vào nếp khi nấu, tạo ra mùi hương thơm lừng lan tỏa vào sương sớm của núi rừng, mới có vị ngọt tinh khiết của trời đất. Nứa được chặt ra thành từng ống, có một mắt nứa. Ngoài ra, đồng bào thường dùng lá dong rừng để gói nếp, trước khi cho vào ống nứa.
Nếp để nướng trong ống nứa là nếp Cu - char, người Kinh gọi là nếp than. Đồng bào Pa Cô, Tà Ôi xem đây là loại nếp quý nhất. Gọi là nếp than vì sau khi giã, nếp có màu hồng đen giống như có bỏ tro than vào.
Đồng bào thường ngâm nếp ở những con suối trong vắt và chảy xiết gần bản làng. Trước khi nhồi nếp vào ống nứa, người làm sẽ lấy một tấm lá dong hơi non, cắt phần cuống. Lá dong hơi non có độ mềm, không giòn, dễ bỏ vào ống nứa hơn lá già. Ngửa mặt lá dong ra rồi cho nếp vào giữa, sau đó gấp các mép hai bên và phần gốc của lá dong lại và cuộn tròn hình ống theo nắm nếp. Kế tiếp, người ta luồn cuộn lá dong có nếp đó vào ống nứa. Việc luồn lá dong phải làm từ từ và thật nhẹ nhàng, bởi làm nhanh sẽ gây rách lá dong làm nếp đổ ra ngoài.
Khi cho nếp vừa đầy ống nứa. Người ta dùng một cái cây nhỏ gần bằng miệng ống nứa để đẩy cuộn lá dong có nếp xuống tận đáy ống. Một ống nứa thường được bỏ từ hai đến ba cuộn nếp như vậy. Bỏ các cuộn nếp xong, người làm mới cho nước lạnh vào ống nứa, đổ cho đến khi đầy nước mới thôi. Tiếp đó, người làm lại cuộn một lá dong khác thành một cái nút để đậy kín ống nứa.
Đồng bào ở đây cho biết: Để nướng xôi ống được ngon thì phải trải qua các công đoạn không kém phần công phu. Thứ nhất là chọn nếp Cu - char hong khô bằng than, bằng bếp lửa. Thứ hai là phải chọn loại nứa mỏng vỏ và không già. Bởi lẽ, nước nứa cũng làm cho xôi ngon và có vị mát nữa. Thứ ba là phải chọn lá dong rừng nhưng không để quá hai ngày. Vì có như thế thì lá mới còn chất được. Thứ tư là phải ngâm nếp trong ống nứa thật lâu để nếp nở ra.
Nếp được ngâm nước lạnh trong ống nứa chừng khoảng hai tiếng đồng hồ rồi mới bắt đầu nướng. Điều quan trọng khi nướng xôi trong ống nứa là lửa nhỏ và cháy đều. Ban đầu, hong lửa ở đáy ống. Tiếp đó là xoay đều và lần lượt hong lửa lên phía trên miệng ống nứa. Dần dần, nước trong ống sẽ sôi và làm chín nếp thành xôi. Ống nứa một lúc sẽ bị cháy đen ở bên ngoài. Nước sôi trong ống phun hơi qua cái nút. Đến khi nước bốc hơi hết thì xôi đã chín. Người làm sẽ lấy ống xôi nướng dựng ngược bên bếp. Như vậy sẽ khiến cho xôi ráo và cứng hơn khi nguội.
Món ngon đãi khách quý
Xôi ống ăn ngon nhất là một ngày sau khi nướng. Bởi lẽ sau một ngày, xôi có vị thơm rất đặc trưng của nứa cháy, vị ngọt của nước cây nứa hòa với vị ngọt bùi của nếp than. Mặt khác, xôi cũng dẻo hơn. Khi ăn, người ta sẽ tước ống nứa và lấy từng xôi trong ống ra, bóc lớp vỏ lá dong. Xôi nướng ống nứa có màu hồng nhạt, thường dùng để ăn với thịt gà luộc, với cá khô chấm muối ớt hoặc rau rừng, và đặc biệt là đồ xôi với đỗ đen. Vị béo béo bùi bùi của đỗ đen hòa vào ống xôi thơm phức lại càng làm tăng thêm sự phong phú và tinh tế cho món ăn.
Một lần thưởng thức xôi ống này, bảo đảm sẽ làm bạn nhớ mãi tới hương vị núi rừng đến tận ngàn sau…
Tuy giản dị và đơn sơ, song xôi ống lại không nằm trong thực đơn hàng ngày của người dân Tây Thừa Thiên, trái lại, món này chỉ xuất hiện trong các dịp quan trọng như lễ tết, hội hè, và đặc biệt dùng để thết đãi khách phương xa ghé thăm vùng cao nguyên hẻo lánh.
Đồng bào nơi đây cho biết: “Trong văn hóa của người Pa Cô chúng tôi, quan trọng là sự hiếu khách và thể hiện tấm lòng của mình. Nếp bỏ trong ống nứa và nướng cũng như cái bụng mình lúc nào cũng nồng ấm với mọi người. Ống nứa giống như cái bụng vậy”.
Bởi vậy, đến với miền Tây Thừa Thiên, bạn không chỉ được thiên nhiên trọng đãi bằng những cảnh sơn cước hùng tráng, bằng khí hậu trong lành tươi xanh, mà còn được chính người dân nơi đây trao gửi tình cảm ấm nồng qua những ống xôi nóng hổi trên bếp lửa. Phần nào tượng trưng cho tính cách của đồng bào dân tộc, luôn ngay thẳng như chiếc ống nứa nấu xôi.
(Theo LangVietOnline)