Bến Tre là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giáp Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và biển Đông. Cách TP HCM 85 km về phía tây, Bến Tre như hòn đảo xanh giữa bốn bề sông nước, là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích khám phá miền Tây.
Bến Tre mùa nào đẹp
Bến Tre thuộc miền Tây Nam Bộ, với khí hậu quanh năm nắng ấm. Du khách có thể ghé thăm bất cứ mùa nào trong năm, nhưng lý tưởng nhất là vào những tháng hè 6, 7 và 8. Đây là thời điểm bạn vừa được ngưỡng bức tranh thiên nhiên đa sắc màu, vừa được thưởng thức trái cây tươi hái ngay trên cây như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...
Ảnh: Nguyễn Văn Hoàn
Di chuyển
Nếu xuất phát từ TP HCM bạn có thể đến bến xe Miền Tây để tìm nhà xe ưng ý với giá dao động 85.000-140.000 đồng. Thời gian di chuyển 1,5-2 tiếng.
Bên cạnh đó bạn có thể phượt bằng xe máy hoặc di chuyển bằng xe ôtô tự lái để tự do dừng nghỉ, ngắm cảnh dọc đường. Nên xuất phát vào lúc sáng sớm hoặc sau 9h sáng (vì khoảng thời gian 6-8h đường đông). Theo quốc lộ 1A đến thành phố Mỹ Tho, cầu Rạch Miễu, qua cầu rẽ phải là bạn đã ở trung tâm thành phố Bến Tre.
Bạn cũng có thể chọn tour theo ý thích của các công ty lữ hành ở TP HCM để thuận tiện tham quan.
Khách sạn, homestay
Những năm gần đây homestay khá phát triển tại Bến Tre. Bạn có thể cùng ăn, ở và trò chuyện với chủ nhà, tìm hiểu lối sống người dân địa phương và thưởng thức những món đặc sản đậm chất miền quê sông nước
Homestay tại Bến Tre. Ảnh: Quách Duy Thịnh
Ngoài ra có nhiều nhà nghỉ, khách sạn trong nội thành cho bạn dễ dàng lựa chọn như: khách sạn Công Đoàn, khách sạn Hàm Luông, khách sạn Cửu Long, nhà nghỉ Thư Thư, nhà nghỉ Quê Hương... Bạn có thể lên sân thượng các khách sạn này để uống cà phê đêm và ngắm nhìn đường phố dọc bờ sông.
Chơi đâu
Cồn Quy thuộc huyện Châu Thành với đặc sản là trái cây ngon và tôm cá. Cồn Quy là cồn nhỏ nhất trong "tứ linh" của miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Tham quan cồn Quy, du khách còn được thưởng thức món "đờn ca tài tử" mang đậm bản sắc vùng sông nước Nam bộ.
Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc địa bàn xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Đến đây du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn để tham quan các cơ sở chế biến kẹo dừa, đồ lưu niệm từ dừa hay lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân bên ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức trái cây miền nhiệt đới. Trải nghiệm hút khách là câu cá sấu, cho cá chép bú bình...
Cồn Phụng. Ảnh: KKday
Vườn cây ăn trái có hai nơi để bạn tìm đến là vườn cây Cái Mơn ở Chợ Lách và vùng Tiên Long, Tân Phú ở huyện Châu Thành. Bạn có thể vừa tận hưởng không gian xanh mát của vườn cây, thưởng thức các loại trái cây tươi do chính tay mình hái và ăn ngay tại chỗ. Giá vé bao gồm cho một lần vào vườn và thưởng thức thoải mái bất kỳ loại trái cây nào, còn quà mang về sẽ phải mua.
Vườn dừa: Bến Tre có hơn 200.000 hộ trồng dừa, chiếm khoảng hai phần ba tổng số hộ dân toàn tỉnh. Du khách nên thử đạp xe vài km loanh quanh các vườn dừa, tận hưởng không gian bình yên và mát lành. Vừa đạp xe du khách còn được trò chuyện cùng người dân địa phương để hiểu thêm về cuộc sống ở vùng quê.
Sân chim Vàm Hồ. Ảnh: Quách Duy Thịnh
Sân chim Vàm Hồ là nơi du khách quan sát hơn 100 loài chim khác nhau. Có những cá thể gần như tiệt chủng nhưng chúng đang trú ngụ tại đây.
Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri là nơi an nghỉ của nhà thơ lớn của dân tộc, nhà yêu nước và vị thầy thuốc của nhân dân. Vào ngày 1 tháng 7 hàng năm, người dân Bến tre luôn tổ chức lễ hội truyền thống tại đây để tưởng nhớ đến nhà thơ nổi tiếng, người con Nam Bộ.
Đã đến đây, du khách có thể đi thêm 9 km ra bãi Ngao và cảng Tiệm Tôm ngắm cửa Ba Lai và cửa Hàm Luông (cửa thứ 3 và 4 của sông Mekong đổ ra biển Đông). Hai cửa này chỉ cách nhau vài km.
Biển Bình Đại thuộc huyện Bình Đại, nằm trên bờ sông cửa Đại. Bãi biển còn hoang sơ, không ồn ào như Vũng Tàu hay Nha Trang. Đến đây ngoài tắm biển, thưởng thức hải sản, du khách còn có thể câu cá, tham quan một số điểm du lịch tâm linh...
Làng du kích Đồng Khởi thuộc điạ phận xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày. Đến đây du khách có thể ghé qua khu nhà triển lãm, nơi trưng bày các loại vũ khí thô sơ mà người dân Bến Tre năm xưa đã dùng để chống lại quân xâm lược.
Đình Phú Lễ được xem là ngôi đình đẹp và lâu đời nhất của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quách Duy Thịnh
Làng nghề Phú Lễ ở huyện Ba Tri. Đến với làng nghề này, du khách sẽ nghe người dân hát sắc bùa khi đan lát, tìm hiểu về nghề nấu rượu nếp...
Một điểm tham quan tại làng là đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá. Vào dịp Tết hoặc Lễ hội cúng đình (Lễ Kỳ Yên) ngày 18 và 19/3 âm lịch hàng năm, ngay trước đình sẽ tổ chức hát bội.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng là nơi du khách ngoài xem người dân làm bánh. Bánh tráng được phơi rồi mang đi nướng trên bếp than nên bánh đến tay du khách luôn nóng hổi và giòn rụm, béo ngậy mùi nước cốt dừa.
Người dân phơi bánh tráng dừa. Ảnh: Nguyễn Thanh Hùng
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng, tuổi đời hơn 100 năm. Tại đây du khách có thể tham quan, tìm hiểu quy trình làm ra một chiếc bánh phồng nếp. Bánh đạt yêu cầu là sau khi nướng phải xốp, giòn tan và nở to gấp hai lần so với lúc chưa nướng. Làng nghề bán nhiều loại cho khách mua về làm quà, như bánh phồng nếp hột gà, bánh phồng nếp mít, bánh phồng nếp sầu riêng...
Phơi bánh phồng. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
Du khách đến làng nghề vừa được xem người dân địa phương làm ra sản phẩm, vừa trải nghiệm đan lát cùng người dân. Ảnh: Quách Duy Thịnh
Làng nghề đan lát ở Phước Tuy, Ba Tri cách thành phố Bến Tre khoảng 40 km về hướng đông. Đây là làng nghề đã có từ lâu đời. Người dân làm tất cả vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đều bằng tre.
Mỗi nhà chia nhau làm bung, lờ bắt cá hoặc rế, nia. Du khách đến đây vừa được xem người dân địa phương làm ra sản phẩm, học cách thức và trải nghiệm cùng người dân.
Đến Bến Tre, du khách nên mua một tour đi trên sông kèm dịch vụ đi xuồng ba lá, ngồi thuyền len lỏi qua hàng nghìn cây dừa nước mọc quanh bờ kênh. Ảnh: Quách Duy Thịnh
Đặc sản
Đặc sản từ dừa của Bến Tre sẽ khiến du khách bất ngờ. Không chỉ là lấy nước dừa, người dân còn có nhiều món ngon như cơm nấu với dừa, cháo dừa, tép rang dừa, cổ hũ dừa, bánh dừa Giồng Luông...
Chuối đập: chuối được đập dẹt rồi nướng trên lửa than, ăn kèm với nước cốt dừa. Vị nóng giòn thơm của chuối thêm vị béo ngậy của nước cốt dừa sẽ làm bạn thích thú.
Bánh canh bột xắt: bánh được làm từ bột gạo, nước dùng sền sệt nấu với thịt vịt chấm nước mắm gừng. Đây là một đặc sản đậm chất miền Tây.
Chè bưởi: được chế biến từ vỏ bưởi gọt hết phần vỏ xanh, ngâm muối và nấu. Chè được thêm phần sầu riêng nên luôn có mùi vị độc đáo.
Thịt chuột dừa: loài vật sống trên cây dừa được chế biến thành món ăn ưa chuộng của người dân địa phương. Bạn có thể thưởng thức nhiều món như: nướng, hấp, nấu cà ri và đặc biệt nhất là chuột hấp trong nồi cơm.
Bánh xèo ốc gạo: Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, cồn Phú Đa của Chợ Lách có ốc gạo ngon nhất. Mùa ốc chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là hết. Vỏ bánh đổ từ bột pha nước cốt dừa thơm ngậy, ăn với nhân gồm củ sắn xắt sợi, giá đỗ, ốc gạo bùi bùi sẽ gây ấn tượng với thực khách.
Tôm càng xanh là một đặc sản dân dã khác được lòng thực khách. Dù nướng mọi, luộc với nước dừa xiêm đỏ, hay nổ muối hột cùng lá chanh, thịt tôm đều giữ được độ ngọt và săn chắc.
Trái cây: Bạn có thể thưởng thức rất nhiều loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt... với giá cả khá rẻ và đặc biệt đừng quên dừa sáp.
Nấm mối mọc trên những gò mối đùn đất, xuất hiện từ khoảng tháng 4 đến tháng 7. Đặc sản nấm mối Bến Tre dai, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng.
Mua gì làm quà
Nếu di chuyển đường gần bạn có thể mua các loại trái cây đặc sản như măng cụt, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh, bưởi năm roi... Muốn để quà lâu ngày, hãy chọn bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, mứt dừa, kẹo dừa, rượu dừa... và một số đồ vật mỹ nghệ đẹp mắt từ dừa.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp