Thành phố Buôn Ma Thuột với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm tuổi của tỉnh Đắk Lắk là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc vùng núi Tây Nguyên. Nếu bạn yêu thích màu hoa pơ lang nở đỏ rực núi đồi, những rẫy cà phê xanh bạt ngàn, tham gia các lễ hội truyền thống độc đáo cùng những ché rượu cần ngất ngây và tiếng cồng chiêng rộn rã, khám phá những thác nước hùng vĩ… thì tất cả những điều ấy đều có trong chuyến đi Buôn Ma Thuột vô cùng hấp dẫn.
1. Lịch sử thành phố Buôn Ma Thuột
Buôn Ma Thuột trước đây là vùng đất cư trú của người Ê Đê, với nhiều nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam, xuôi theo dòng đổ ra sông (Sêrêpôk). Các buôn được điều hành bởi già làng cho mỗi buôn. Những buôn làng được ghi nhận đầu tiên trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuộc ngày nay gồm có Buôn Kram, Buôn Alê, Buôn Păn Lăn, Buôn Kosier, Buôn Enao, Buôn Akõ Dhông, Buôn Dung.
Sau khi tiến hành xâm lược và bình định vùng đất Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy thống trị sau khi kí thành lập tỉnh Đăk Lăk (22-11-1904), đồng thời chuyển tỉnh lị từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Khi mới thành lập, Buôn Ma Thuột chỉ có cấp tỉnh, còn ở cấp dưới vẫn là buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Buôn Ma Thuột được xây dựng tại khu vực Buôn Kram, cạnh buôn Alê-A, Alê-B, ngày nay là thoải triền đồi khu vực ngõ cua đường Đinh Tiên Hoàng về nhánh suối Ea Tam. Thời kỳ Pháp đô hộ được đặt tên đô thị là Ban Mé Thuot, từ “Ban” được dùng để ví như một đô thị với các buôn làng và khu khu vực nhỏ, ngang phường. Trong hệ thống bản đồ tư liệu lịch sử của người Pháp thời kỳ 1905-1918-1930, từ ”Ban” và ”Buôn” được phân biệt rõ rệt, qua thời Việt Nam Cộng Hòa, từ này được phiên âm thành Ban Mê Thuột, sau giải phóng gọi thành Buôn Ma Thuột.
2. Đi du lịch Buôn Ma Thuột vào mùa nào?
Thời điểm thích hợp nhất để đến Buôn Ma Thuột là khoảng thời gian xuân-hè từ tháng 1 đến tháng 5. Thời điểm này là mùa khô ở khu vực Tây Nguyên, khí hậu dịu mát ôn hoà, không quá nóng như khi vào hè, thích hợp để bạn thoả sức khám phá núi rừng.
Đến Buôn Mê Thuột vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 là lúc thích hợp cho các tay săn ảnh khi mùa hoa cà phê nở trắng đất trời Tây Nguyên và tháng 4 thì hoa pơ lang nở đỏ rực núi đồi. Ngoài ra, vào tháng 3 dương lịch hàng năm, còn có Lễ hội đua voi Bản Đôn được tổ chức thu hút rất nhiều khách du lịch và người dân bản địa.
3. Cách di chuyển tới Buôn Ma Thuột
Phương tiện cá nhân: Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, từ ngoài Bắc các bạn có thể đi dọc theo QL 1A tới Ninh Hòa, Khánh Hòa rồi đi tiếp theo QL26 tới Đắk Lắk, trên hành trình này các bạn có thể khám phá nhiều địa điểm ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ Hoặc bạn có thể từ Đà Nẵng đi theo QL14 dọc qua một loạt các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kon Tum. Từ Sài Gòn cũng có thể sử dụng tuyến QL14 này để tới Buôn Ma Thuột.
Phương tiện công cộng: Nếu đi máy bay, sân bay Buôn Ma Thuột rộng lớn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam có sự tham gia chuyên chở của tất cả các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Vì vậy dù bạn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì đến mua vé máy bay đi Buôn Mê Thuột là cách tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn mua vé xe khách để tới Buôn Ma Thuột từ hầu hết mọi miền của đất nước. Từ Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, Trung xe sẽ chạy hàng ngày do quãng đường ngắn. Từ Hà Nội, do quãng đường dài nên số lượng xe sẽ không nhiều bằng và lịch chạy xe thường cách ngày.
4. Các điểm du lịch ở Buôn Ma Thuột
Thác Đray Nur – Đray Sáp
Đây là cụm 2 thác nằm trên sông Serepok nổi tiếng của Buôn Mê Thuột, chỉ cách thành phố 25km theo quốc lộ 14. Thác Đray Sap được gọi là thác Chồng còn Đray Nur là thác Vợ, có dòng nước chảy khá mạnh và lớn tạo nên bọt tung trắng xóa. Cảnh tượng hùng vĩ ấy sẽ khiến du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi có những hôm còn xuất hiện cả cầu vồng đẹp mắt.
Thác Đray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kuốp gần 3 km. Đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Đăk Lăk. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m nối liền đôi bờ 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng (thực chất thác này thuộc địa phận Đắk Nông nhưng lại nằm không xa thác Đray Nur). Theo tiếng Ê Đê, Đray Sap có nghĩa là “thác khói” (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.
Đá voi mẹ
Đá voi mẹ là tảng đá nguyên khối lớn nhất cả nước nằm sát chân núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27, thuộc địa phận xã Yang-tao. Đá Voi mẹ thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m và cao khoảng hơn 30m.
Từ trên đỉnh đá voi mẹ nhìn xuống bạn có thể ngắm nhìn nhiều thắng cảnh nơi đây như hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin – mái nhà của Tây Nguyên. Thường các đôi lứa hay ngồi trên lưng đá voi để hẹn hò và trao lời thề nguyện, mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của mình.
Làng cà phê Trung Nguyên
Làng cà phê Trung Nguyên là một cụm công trình kiến trúc có diện tích lớn nằm ở phía Tây Bắc Thành phố, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc. Đây được xem như một bảo tàng cà phê thu nhỏ, nơi bạn sẽ được tìm hiểu về giá trị của cà phê, các loại cà phê, lịch sử phát triển của ngành chế biến cà phê và thưởng thức hương vị cà phê tuyệt vời của phố núi.
Bảo tàng thế giới cà phê
Với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau, bảo tàng thế giới cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Không gian triển lãm trưng bày hàng nghìn hiện vật và tinh hoa văn hóa thuộc về cà phê trên khắp thế giới, tương tác với khách tham quan qua những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm. Các hiện vật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, bài trí ngay trên lối đi, không đóng trong tủ kính, tạo cảm giác chân thực và gần gũi.
Trong suy nghĩ của nhiều người, Bảo tàng là nơi trưng bày, lưu trữ, bảo quản hiện vật trong quá khứ một cách tĩnh lặng và nhàm chán. Tuy nhiên, Bảo tàng Thế giới Cà phê là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống không đóng mình vào với khái niệm “bảo tàng” theo cách tư duy cũ. Đây điểm đến của những tín đồ yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu; là công trình biểu tượng cho Việt Nam và là nơi hội tụ lưu trữ hàng chục nghìn hiện vật của các nền văn minh cà phê trên thế giới.
Toà giám mục Buôn Mê Thuột
Đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô to lớn, được xây dựng hầu hết bằng chất liệu gỗ, lợp ngói vảy cá. Tòa nhà có kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người Ê Đê bản địa nằm giữa một khuôn viên rộng với nhiều giống cây cỏ hoa lá lạ và được thiết kế và xây dựng bởi các nghệ nhân Công giáo Ê đê xưa với bàn tay khéo léo rất rất công phu. Đây là một điểm đến trong thành phố Buôn Mê Thuột mà bạn nên ghé thăm để khám phá được hết nét đặc sắc của địa danh này.
Nhà đày Buôn Mê Thuột là được thực dân Pháp xây dựng lên trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những tù nhân cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây là một trong những nhà tù tàn bạo nhất của chính quyền thực dân Pháp tại Việt Nam, nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Bùi San, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Trần Văn Quang, Ngô Đức Độ…
Buôn Đôn
Buôn Đôn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 40km, được xem là xứ sở của nghề săn bắt và thuần voi rừng lớn nhất Tây Nguyên. Tới đây, bạn sẽ được tham quan ngôi nhà sàn cổ Khun Yu Nốb hơn trăm tuổi được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào. Đây là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn.
Đến với Buôn Đôn, bạn cũng đừng quên đi qua cầu treo Buôn Đôn – cây cầu xinh xắn dài chừng 1 km làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt để phục vụ mục đích du lịch. Cầu bắt qua một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt.
Buôn Ako-Đhong
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột. AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nơi nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì nằm ở ngay trung tâm thành phố.
Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, nằm trong quy khu hoạch trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Hiện nay buôn là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố nơi bạn sẽ được nhìn ngắm các nhà sàn và nhà dài truyền thống được giữ gìn khá nguyên vẹn.
Tuy vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên đậm bản sắc tinh hoa dân tộc nhưng buôn làng vẫn bắt kịp với nhịp sống thời hiện đại. Chính sự hòa quyện vừa hiện đại vừa truyền thống đã khiến cho địa điểm vui chơi ở Buôn Mê Thuột này thu hút đông đảo khách thập phương.
Khu du lịch Ko Tam
Khu du lịch Ko Tam nằm cách trung tâm thành phố 9km về phía Đông Nam, thuộc phường Tân Hòa và xã Ea Tu. Với không gian rộng rãi, thoáng mát và mang vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, khu du lịch Ko Tam là địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi và thưởng thức các đặc sản của núi rừng.
Đến khu du lịch Ko Tam, bạn sẽ như được trút đi bao mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật, trở về với thiên nhiên và trải lòng mình giữa không gian xanh ngắt, và thưởng thức nhiều món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn. Đặc biệt từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, nơi đây thường tổ chức các buổi biểu diễn cồng chiêng, ca nhạc đầu xuân cũng như nhiều trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn.
Hồ Ea Kao
Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km, hồ Ea Kao là một hồ nước nhân tạo phục vụ cho công trình thủy lợi và tưới tiêu lúa, cà phê. Địa điểm quanh hồ còn khá hoang sơ với hệ sinh thái đa dạng có nhiều loài cá, tôm nước ngọt… và những cây cổ thụ bao quanh.
Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, thảm thực vật, cây xanh, nguồn nước… khu du lịch hồ Ea Kao là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên. Thời điểm du lịch hồ Ea Kao lý tưởng nhất là những ngày đầu tháng 6 bởi lúc này hồ có mực nước thấp giúp bạn có cơ hội chiêm ngưỡng được những triền cỏ xanh rì dưới chân.
Theo Wanderlusttip
Sưu tầm: Ngô Diệp