Không phải sự sang chảnh mà chính những bài học trải nghiệm quý giá từ thiên nhiên và văn hóa bản địa là yếu tố hấp dẫn với các loại hình du lịch cắm trại. Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại ý kiến chia sẻ của một số người có kinh nghiệm du lịch cắm trại về sự đa dạng và hấp dẫn của hoạt động này.
Đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả một số sách ẩm thực “Trái tim của Chef”, “Đầu bếp tự do”, “Chef - Đầu bếp chuyên nghiệp”:
Cơ bản nhất vẫn là ý thức của người tham gia
Mấy năm gần đây, đi dã ngoại hay cắm trại đang trở thành xu hướng mà đối tượng tham gia chủ yếu là thanh niên, các gia đình trẻ. Xu hướng này bùng nổ là bởi nó phù hợp với mọi đối tượng, ai cũng có thể tham gia theo cách phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như lối sống của mỗi cá nhân.
Khi picnic trong ngày hay cắm trại qua đêm đã quá quen thuộc với mọi người thì một loại hình nghỉ ngơi khác là glamping mới xuất hiện. Đó giống như khách sạn 5 sao dành cho những người có điều kiện mà thiếu thời gian, hoặc họ cần một trải nghiệm khác lạ từ địa điểm đặc biệt, lều trại cao cấp, trang thiết bị hiện đại, mọi thứ đã sẵn sàng mà không cần chuẩn bị từ nhà. Có rất nhiều khu nghỉ dưỡng đã áp dụng mô hình glamping để kinh doanh bởi nhu cầu của khách hàng là rất lớn. Tuy nhiên, hình thức này cũng có những mặt hạn chế về trải nghiệm - điều mà chỉ loại hình camping tự do mới mang lại được.
Du lịch trải nghiệm ở Việt Nam hiện nay có ưu điểm lớn là chúng ta có rất nhiều địa điểm đẹp, văn hóa bản địa đặc sắc để có thể cắm trại hoặc nghỉ dưỡng, có điều kiện về trang thiết bị cho người tham gia trải nghiệm với giá cả phải chăng... Ưu điểm nhiều nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế, cơ bản nhất vẫn là ý thức của người tham gia trải nghiệm. Tôi thấy nhiều nhóm người rất thiếu ý thức về việc bảo vệ môi trường, không chỉ là câu chuyện rác thải mà còn là vấn đề âm thanh. Họ chưa trang bị đủ kiến thức ứng xử khi tham gia vào hoạt động cộng đồng, khi ở nơi công cộng, chính điều này khiến cho các khu du lịch trở nên vô tổ chức.
Các địa điểm cắm trại đẹp là nguồn tài nguyên để người dân bản địa khai thác. Tuy nhiên, không ít địa điểm đã bị bức tử bởi người dân thiếu kiến thức làm du lịch, mạnh ai người nấy làm mà không có sự kiểm soát của địa phương.
Ăn uống là một phần không thể thiếu trong hoạt động cắm trại. Khi đi cắm trại, tôi sẽ chuẩn bị nguyên liệu từ nhà, chủ yếu là 5 nhóm thực phẩm chính: Tinh bột (mỳ, bánh mỳ, cơm); thịt (gà, bò, hải sản...); rau củ (nấm, hành tây, cà rốt, khoai tây); gia vị; đồ uống (nước khoáng, bia, nước ngọt...). Những loại nguyên liệu này được sơ chế sạch rồi đóng hộp nhựa cao cấp (có thể tái sử dụng, hạn chế dùng túi nilon). Ngoài ra, lửa trại không chỉ cần thiết cho việc nấu đồ ăn, mà còn là nơi để giữ ấm cho mọi người bên nhau thưởng thức món ăn và đồ uống. Nhìn chung, lửa cũng là một phần không thể thiếu.
Được nấu ăn giữa thiên nhiên, không có áp lực, không cần nấu ăn theo tiêu chuẩn hoặc lề lối nào cả và được hòa vào không gian văn hóa bản địa chính là điều tuyệt vời nhất đối với tôi.
Anh Lê Ngọc Tùng, nhà thiết kế nội thất, đồng sáng lập nhóm cắm trại No Hotel Room:
Bản chất của glamping là hướng về thiên nhiên
Có thể nói, glamping là hình thức cắm trại thượng lưu. Ở châu Á, mô hình này đã phát triển ở nhiều nơi với tinh thần tôn trọng văn hóa bản địa. Còn tại Việt Nam, phong trào glamping xuất hiện có lẽ chỉ tầm 3 năm gần đây, đặc biệt được quan tâm, phát triển nhiều hơn trong thời gian xuất hiện dịch Covid-19. Tuy nhiên, mô hình này chủ yếu là hoạt động tự phát, thiên về kinh doanh nhiều hơn, chưa có sự đầu tư bài bản và đặc biệt là chưa tạo dựng được bản sắc.
Glamping ở Chiềng Mai - Thái Lan chỉ là một khu lều trại trên nền đất trống nhưng thiết kế của họ rất hài hòa với môi trường xung quanh, tận dụng tối đa các vật liệu bản địa. Người làm glamping đồng thời là người am hiểu văn hóa bản địa, họ chuyển tải được tinh thần văn hóa ấy vào không gian và hoạt động của mô hình. Ví như, ở những nơi trồng nhiều dừa thì người ta sử dụng lá dừa vào việc dựng lều trại, hay những địa phương có nghề đúc đồng thì họ sử dụng những vật dụng bằng đồng trong không gian lều trại. Yếu tố địa lý, khí hậu cũng đặc biệt được chú trọng. Vì vậy, nhiều khi không phải sự sang chảnh của lều trại mà chính là tính độc đáo của không gian trải nghiệm này trong môi trường thiên nhiên mới làm nên giá trị glamping. Ví như một lều trại giữa rừng có thể có giá 30 - 40 triệu đồng/đêm.
Nói chung, camping hay glamping, theo tôi về bản chất là hoạt động du lịch trải nghiệm hướng về thiên nhiên. Người tham gia hoạt động cắm trại không đốt lửa trực tiếp trên thảm cỏ, thay vào đó chúng ta xúc thảm cỏ đó để sang một bên, sau khi dập lửa, di chuyển trại thì đặt lại thảm cỏ vào đó để nó tiếp tục sinh trưởng. Tuy nhiên, với việc nhặt cành cây khô để nhóm, đốt lửa sưởi ấm, nấu nướng thì khác. Việc này không làm ảnh hưởng tới môi trường, ngược lại nó lại giúp tỉa cây bụi, làm thoáng môi trường rừng, tạo điều kiện cho các tầng thực vật khác nhau phát triển.
Có thể nói, xã hội càng hiện đại thì con người càng đối diện với nguy cơ mất đi sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, với hoạt động cắm trại trải nghiệm thiên nhiên, dù là mô hình nào thì về bản chất vẫn là cách cùng nhau giữ gìn môi trường sống, kết nối con người với con người. Trong rừng, khi không có công nghệ thì cách duy nhất để con người truyền tín hiệu cho nhau là giao tiếp trực tiếp. Khi không có tiện ích như ở nhà thì cách duy nhất là phải lao động để sinh tồn. Đây cũng là cách nuôi dưỡng lòng yêu cuộc sống, bồi đắp tình cảm gia đình cho con trẻ. Ở một không gian sạch sẽ, trong lành, khi phải tự chuẩn bị đồ ăn, con trẻ sẽ trân trọng lao động, sẽ thấy việc vứt một cọng rác ra rừng cũng là điều không nên...
Nhóm No Hotel Room mà chúng tôi gây dựng cũng hướng tới mục tiêu ấy với tiêu chí vui mà thực chất: Tập hợp những anh em đam mê chạy xe, thích tổ chức cho con trẻ đi cắm trại, ở homestay, yêu văn hóa bản địa và nhất quyết không ở khách sạn, không ăn tối nhà hàng, chỉ tự nấu ăn, ca hát thảnh thơi ngày cuối tuần. Hiện cũng có khá nhiều hội nhóm hoạt động với tinh thần như vậy như Go camping, Địa điểm check-in, Rủ nhau cắm trại... Tôi nghĩ rằng, tùy vào điều kiện của mỗi người, mỗi gia đình mà tổ chức hoạt động camping hay tham gia glamping sao cho thực chất, giàu tính trải nghiệm.
Theo Hanoimoi