UBND tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ VHTT&DL vào 20h ngày 26/4.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2022 được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức từ ngày 25 đến 27/4 tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, tín ngưỡng này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vì đảm bảo tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương. Theo đó, chợ Phong Lưu Khâu Vai không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm mà là nơi tâm tình, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian.
Công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai 2022 và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang dần hoàn tất. Ảnh: Phan Anh
Ngoài ra, chợ Phong Lưu Khâu Vai phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có lịch sử hình thành hơn 100 năm. Phiên chợ này còn được đánh giá có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
Du khách tham gia lễ hội sẽ được tận hưởng không khí nô nức, phấn khởi của những chàng trai, cô gái đang trong độ tuổi hẹn hò. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của các cô gái Nùng, Giáy... khi khoác trên mình những bộ trang phụ độc đáo của dân tộc mình cũng là điểm thu hút của lễ hội.
Khách du lịch đến với Chợ Phong Lưu Khâu Vai 2022 còn được tham gia trải nghiệm, khám phá các hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương, Lễ cầu duyên, Lễ cầu an tại khu vực miếu Ông, miếu Bà.
Các chàng trai, cô gái dân tộc Giáy, Nùng tham gia lễ hội. Ảnh: Phan Anh
Các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của người dân nơi đây như: hát dân ca dân tộc Nùng, dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa nón, múa khăn, múa kiếm của dân tộc Giáy... được kỳ vọng sẽ mang đến trải nghiệm đặc biệt cho du khách tới đây.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cũng cho biết, đây là hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang, nhằm thực hiện giải pháp phục hồi ngành du lịch sau tình hình dịch Covid -19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước.
Trẻ em cũng đến Chợ Phong Lưu Khâu Vai để hưởng ứng không khí náo nhiệt. Ảnh: Thư viện ảnh Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang
Bên cạnh đó, tại lễ hội, khách tham quan còn được trải nghiệm cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa sao nhái, cầu tình yêu tại Mê Cung Đá (thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc); tìm hiểu nét độc đáo của Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ; chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần, trải nghiệm cảm giác mạo hiểm trên cung đường Hạnh Phúc huyền thoại, du thuyền trên lòng hồ Nho Quế ngắm hẻm vực Tu Sản - Mã Pì Lèng...
Chợ Phong Lưu Khâu Vai nằm tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 180 km, ở cuối con đường đèo. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Tương truyền, khi xưa, tại khu vực xã Khâu Vai có Chàng Ba và Nàng Út đem lòng yêu nhau nhưng không đến được với nhau do trai người Nùng không thể lấy gái người Giáy làm vợ. Họ quyết định bỏ bản, trốn lên Đèo Mây để gặp nhau nhưng do dân làng phản ứng, hai người phải trở về. Dù không thể trở thành vợ chồng nhưng họ thề mỗi năm vào ngày 27/3 âm lịch, sẽ gặp nhau trên Đèo Mây để ôn lại tình cảm xưa.
Theo phong tục của người dân nơi đây, trong ngày và đêm diễn ra Chợ Phong Lưu Khâu Vai, vợ chồng không được ghen tuông, mỗi người đều có quyền đi tìm lại tình yêu cũ của mình. Người chồng thắp một nén hương ở miếu Bà để mong Bà tìm giúp người yêu cũ; người vợ thắp một nén hương lên miếu Ông, cầu Ông cho tìm được người yêu cũ. Các cặp trai gái đến với nhau ngồi bên gốc cây, tảng đá, mời nhau chén rượu, hát những bài ca giao duyên, xen lẫn những tiếng kèn lá, tiếng sáo, tiếng cười, tiếng nói rì rầm... tạo ra một không gian tình yêu và niềm vui.
Hiện nay, do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày. Phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch và hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp