Từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng, người dân mang sâm Ngọc Linh trồng trên ngọn núi cao nhất miền Trung xuống bán.
Chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức tại nhà thi đấu huyện Nam Trà My (Quảng Nam) từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng. Đã bước sang lần thứ 10, mỗi phiên chợ quy tụ hàng chục gian hàng của người dân, doanh nghiệp địa phương bán hàng chục kg sâm thu về vài tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra bảy xã của huyện Nam Trà My với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Sâm đưa đến chợ được thẩm định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, sau đó đưa lên cân để xác định trọng lượng. Anh Hồ Văn Riêu, xã Trà Nam, cho biết: “Phiên chợ này tôi mang một kg đến bán và ra giá 60 triệu đồng”.
Sâm được người dân trưng bày tại các gian hàng để khách chọn lựa.
Chị Lê Thị Hồng Liên, chủ một công ty tham gia chợ, cho biết, chị đưa 3 kg sâm đến chợ. “Chúng tôi trồng trên đỉnh núi, sâm có tuổi đời gần 10 năm”, chị Liên nói.
Sâm bán ở chợ có hai loại, một loại để cả nguyên cây, củ, rễ và loại chỉ còn củ, rễ.
Một kg sâm được niêm yết giá 80 triệu đồng.
Khách hàng cẩn thận lựa chọn những củ sâm đẹp để mua.
Một bình rượu có giá 250 triệu đồng, ngâm hơn 10 củ sâm được ghép thành một củ lớn.
Rượu đẳng sâm, đinh lăng, mật ong được nhiều người trưng bày.
Tại chợ các mặt hàng dược liệu, rau, củ, quả cũng được bày bán.
Đắc Thành