Người ta thường bảo, muốn tìm hiểu về đời sống, thậm chí là văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến… chợ. Một người nước ngoài làm công tác văn hoá nhiều lần đến Việt Nam đã nói về chợ Việt: “… Đó là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu, như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở”.
Chợ ra đời từ rất sớm trong lịch sử loài người, khi con người đã sản xuất được hàng hóa nhiều hơn nhu cầu của họ, nên muốn mang nó đi trao đổi với người khác để lấy một loại hàng hóa nào đó. Đối với người Việt, từ bao đời nay, chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi thể hiện nét đặc trưng văn hóa dân tộc.
Từ chợ quê truyền thống....
Ở mỗi miền quê, mỗi vùng miền đất nước, hình thức tổ chức chợ có thể khác nhau, mang hơi thở cuộc sống, dấu ấn đặc sắc riêng gắn với lịch sử và đời sống tâm linh của đồng bào mỗi vùng miền như chợ tình Sa Pa, chợ Viềng – Nam Định, chợ nổi miền Tây… Nét đặc trưng của chợ truyền thống là chợ không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi người ta đến để gặp gỡ, trao đổi thông tin, tạo sự gắn kết với nhau.
Chợ tình Sa Pa, chợ tình Khâu Vai và một số phiên chợ của đồng bào vùng cao Tây Bắc chỉ diễn ra trong mấy ngày trong năm, ở đó không bán đổi hàng hóa, không tấp nập kẻ bán người mua, mà chỉ có những trao gửi tình cảm nồng thắm và có cả những nuối tiếc của những chàng trai, cô gái... Hay đầu Xuân năm mới, người ta đến với chợ Viềng – Nam Định không chỉ để trao đổi mua bán mà còn để cầu may.
Chợ quê
|
Phiên chợ quê truyền thống thường họp từ sáng sớm tinh mơ, có thể là họp ở cạnh một cái quán, cây cầu hoặc bên gốc cây bàng, cây đa nào đó. Chợ quê mộc mạc chỉ có vài mái tre hay mái lá, cả người bán lẫn người mua là người làng với nhau hoặc người ở làng kế bên. Ở phiên chợ có đủ các mặt hàng, thường là rau quả trong vườn nhà có được hay con gà, con vịt nhà nuôi, chỗ thì bán nông cụ, chỗ thì bán những món quà vặt như xôi, chè, ngô nướng hay mấy món bánh quê giản dị vừa túi tiền, ai thấy ưng thì mua về làm quà, hay cứ ngồi xuống ăn thoải mái. Cả phiên chợ toát lên cái giản dị, dân dã của một miền quê.
Chợ phiên đông cũng chỉ chừng vài trăm người, không khí thân mật hiền hòa bởi đa phần là người quen với nhau, hay bạn bè rủ nhau ra vui chơi. Hình như mọi người ai cũng thích đi chợ, không mua gì thì cứ đi ngắm, đi chơi. Đông người nhất chắc là ở quán nước chè đầu chợ, người ta gặp nhau, vừa uống nước chè vừa hỏi thăm nhau.
Dù còn mang nặng tính tự túc, tự cấp nhưng chợ quê không vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người mua, kẻ bán, tất thảy đều xởi lởi, vui vẻ. Đối với người “nhà quê”, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa, là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt… Bởi chợ quê là nơi lưu giữ những nét văn hóa cũng như tục lệ của người dân nơi đó.
Phiên chợ giản đơn ấy cứ như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng quê. Nhiều phiên chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc mà các nghệ sĩ biểu diễn là chính những người nông dân chất phác hiền lành, chia sẻ niềm vui với những người đi chợ.
Đến chợ hiện đại
Khi kinh tế phát triển, chợ cũng đổi thay. Tại các thành phố lớn, ngoài các chợ đầu mối, chợ truyền thống, đã xuất hiện thêm các trung tâm thương mại, khu mua sắm hiện đại với hệ thống các siêu thị ở quy mô khác nhau, mang lại nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh gọn, thuận tiện cho người tiêu dùng. Hàng hóa được bày bán tại các “chợ hiện đại” rất phong phú với chất lượng tương đối đảm bảo. Không gian thoáng đãng mang màu sắc hiện đại cùng với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng chu đáo; ở những trung tâm thương mại, siêu thị lớn còn có cả nơi dành cho trẻ em vui chơi, tạo không gian gần gũi với chợ truyền thống.
Trung tâm mua sắm hiệnđại
|
Cuộc sống hiện đại với nhịp điệu sống hối hả, thời gian đối với mọi người là yếu tố quyết định nhiều đến cuộc sống. Do đó các trung tâm mua sắm, các siêu thị hiện đại đã đáp ứng nhu cầu tiết kiệm quỹ thời gian mua sắm cho mọi người. Đây là điều mà hầu hết cư dân thành thị đều có thể cảm nhận được. Tuy nhiên với những người hoài cổ, những người đã được đến với những phiên chợ quê truyền thống thì các trung tâm mua sắm hiện đại và các siêu thị không thể hiện được “hồn” quê truyền thống. Bởi có lẽ không gian ở đó bó hẹp, ít gắn bó với đời sống thiên nhiên, mọi người đến với chợ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm nhiều hơn là nhu cầu trao đổi, gặp gỡ. Có người còn ấn tượng rằng ở các siêu thị đâu có tiếng râm ran mặc cả, ít có sự trao đổi giữa người bán kẻ mua và đặc biệt nó không thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền mà thể hiện nhịp sống hiện đại nhiều hơn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngoài đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán.
Đối với nhiều người, đến với chợ quê truyền thống không chỉ để mua sắm, nhất là đối với những người con xa quê đến với chợ để tìm lại những ký ức, những kỷ niệm một thời. Điều này ở các trung tâm mua sắm và các siêu thị hiện đại khó mà có được.
Hiện nay nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại có tổ chức thêm những khu vui chơi dành cho trẻ em nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí cho mọi người. Đây cũng là điều đáng ghi nhận nhưng nên chăng các trung tâm mua sắm, các siêu thị nên tổ chức thêm những quầy hàng, khu bán hàng thể hiện hồn cốt phiên chợ truyền thống, góp phần cho thế hệ trẻ - đặc biệt là trẻ em thành phố - hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa dân tộc.
Xu hướng phát triển tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng diễn ra mạnh mẽ, dẫn tới nhiều sự đổi thay của xã hội. Chợ - nơi giao thương trao đổi hàng hóa và thông tin - cũng không nằm ngoài sự biến đổi đó. Chợ truyền thống vẫn tồn tại ở các làng quê nhưng đã mang trong đó hơi thở của đời sống hiện đại, còn các trung tâm thương mại, siêu thị lớn cũng ngày một phong phú tạo không gian ngày càng mở đang định hình dần, tạo dấu ấn văn hóa Việt.
Nguồn : Quehuong