Các loại chè được bán tại chợ campuchia (Quận 10, TP.HCM)
Lượng hàng về nhiều hơn, thậm chí dày đặc, chợ online cũng phát triển ào ạt.
Mở rộng thị trường
Chỉ cần dành thời gian một buổi đi dạo quanh các chợ lớn, nhỏ ở TP.HCM không khó để nhận ra, nhiều mặt hàng có xuất xứ Campuchia, Thái Lan đã xuất hiện dày đặc.
Nếu như trước đây, chợ Campuchia (Q.10) chuyên bán các mặt hàng nhập khẩu thì nay gần như chợ nào cũng xuất hiện các mặt hàng có xuất xứ từ những quốc gia láng giềng.
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) chỉ cần hỏi những mặt hàng bình dân hàng ngày như nước ngọt, gạo, thậm chí gia vị, các sạp đều sẵn sàng phục vụ nhu cầu. "Hàng Thái, Campuchia dạo này người dân chuộng mua hơn trước" - chị Ngọc, tiểu thương chợ này cho biết.
Cũng theo nhiều tiểu thương, lượng hàng cứ tăng dần đều, trước đây với mức giá dao động từ 20.000 -25.000 đồng/kg gạo Campuchia, mỗi ngày riêng mặt hàng gạo bán từ 30-50kg, nay có thể bán hơn 100kg/ngày là bình thường.
Hay tại chợ Campuchia (Q.10), các loại khô cá, lạp xưởng nổi bật nhất tại chợ này. Vốn là những mặt hàng được kinh doanh từ rất lâu đời tại đây nên nhiều mặt hàng như khô cá tra dầu, khô thịt trâu, khô rắn, lạp xưởng…trở thành những món đặc sản với nhiều người. Mức giá dao động từ 110.000 – 280.000 đồng/kg tùy loại.
Theo các tiểu thương, các mặt hàng khô cá, lạp xưởng Campuchia bán tốt là do thủy sản tự nhiên kết hợp kỹ thuật chế biến thủ công, cách tẩm ướp gia vị, phơi sấy, bảo quản của họ cũng rất tự nhiên.
Ví dụ, khô cá tra phồng được làm từ cá tra tươi, to từ 3 ký trở lên, đã được róc bỏ phần mỡ bụng nên thịt thơm, béo vừa; khô trâu và bò được làm từ loại trâu, bò chăn thả tự nhiên nên ăn có vị thơm ngọt.
Với nhóm hàng trái cây, rau củ quả cũng "bạt ngàn" hàng Thái Lan, Campuchia. Với hàng chục mặt hàng đứng vững tại thị trường Việt Nam nhiều năm như chôm chôm, măng cụt, nhãn, sầu riêng…
Vì đâu ưa chuộng?
Không phải đến bây giờ hàng Campuchia, Thái Lan mới được người dân ưa chuộng, nhưng với tốc độ phát triển nhanh như thời điểm hiện này cho thấy chiến lược tấn công vào thị trường Việt Nam của các nước này đã thành công bước đầu.
Tham dự nhiều hội chợ hàng Thái tại TP.HCM, có thể dễ dàng nhận thấy ở bất cứ địa điểm nào, thậm chí tần suất hội chợ tăng liên tục từ 1-2 lần thành 4-5 lần/năm thì lượng khách đổ về vẫn rất đông.
Lý giải cho điều này, nhiều khách mua khẳng định, nghe đến hàng Thái sẽ có thiện cảm. Còn các mặt hàng Campuchia, dù không ồ ạt nhưng lại có vị trí vững chắc, vì được sản xuất truyền thống và có giá trị đặc trưng ở mỗi sản phẩm nên người dân an tâm sử dụng hơn.
Cùng với thương hiệu quốc gia, rất nhiều lý do khiến hàng các quốc gia này chinh phục được sở thích mua hàng của người Việt. Khảo sát tại một hội chợ hàng Thái tại Trung tâm triển lãm Tân Bình, TP.HCM mới đây cho thấy, phần đông người tham gia hội chợ này đều bị chinh phục vì những mặt hàng Thái Lan có màu sắc và bao bì rất bắt mắt, có những sản phẩm hình dáng độc đáo như xà bông hình trái cây, bột giặt đóng viên… kết hợp với phong cách bán hàng rất thân thiện, nụ cười luôn thường trực.
Nakasin Boonchaisri, chủ shop giày dép tại hội chợ hàng Thái cho biết, hiện nay xu hướng đưa hàng Thái sang TP.HCM kinh doanh đang được rất nhiều tiểu thương đánh giá là hấp dẫn vì thị trường sôi động, hàng Thái luôn được đón nhận. Với dân số đông, sức tiêu thụ của TP.HCM đối với hàng tiêu dùng, hàng bình dân thậm chí còn mạnh hơn tại Bangkok.